Giới công nghệ dùng cụm từ “kẻ thù chuyên nghiệp” (Professional Enemy) để mô tả mối quan hệ phức tạp giữa Steve Jobs và Bill Gates. Hãy cùng điểm lại những sự kiện lớn có liên quan đến hai thiên tài đã thay đổi cả nền công nghệ thế giới.
Trên thực tế, đường đi của Microsoft và Apple khác nhau ngay từ điểm xuất phát. Tuy nhiên, giới công nghệ luôn so sánh hai hãng như hai đối thủ luôn cạnh tranh nhau trên lĩnh vực công nghệ. Micosoft và Apple không chỉ cạnh tranh nhau mà còn có mối quan hệ hợp tác rất phức tạp. Nếu coi sự thành công trên thị trường công nghệ là một cuộc chiến, thì để vượt qua người khổng lồ Microsoft, Steve Jobs và Apple đã phải trải qua thời gian chiến tranh kéo dài tới gần 3 thập kỷ.
Thập niên 1980 – Ván thua đầu tiên
Năm 1976, khi Steve Jobs chỉ mới 21 tuổi, ông đã sáng lập ra Apple Computer cùng với Steve Wozniak. Chỉ trong 1 năm, họ đã cùng tạo nên tiếng vang cho công ty còn non trẻ với hai sản phẩm Apple 1 và Apple 2. Cũng trong thời gian này, Bill Gates bắt đầu bước chân vào lĩnh vực phần mềm với nền tảng là trình thông dịch Basic.
Đầu những năm 1980, thời điểm mà Steve Jobs cùng người đồng sáng lập Apple đã trở thành triệu phú và Apple bắt đầu vang danh với những loại máy tính sử dụng giao điện đồ họa cho người dùng (GUI – Graphic User Interface) thì Bill Gates cũng bắt đầu phát triển DOS cho PC và gọi nó với cái tên PC-DOS. Chính Bill Gates đã có ý tưởng bán HĐH như một phần mềm đóng gói theo từng bản mà không chuyển giao bản quyền HĐH. Và điều này đã làm cho các máy PC trở nên rẻ hơn, phổ cập hơn, làm cho thị phần của HĐH DOS phát triển mạnh mẽ và biến Microsoft thành một hãng phần mềm lớn.
Ngày 20/11/1985, Microsoft chính thức phát hành phiên bản bán lẻ đầu tiên của HĐH Windows. Đây là HĐH có giao diện đồ họa tương tự và phát triển những ưu điểm của HĐH dành riêng cho Mac trước đó. Windows được phát triển cho những máy có kiến trúc x86 của Intel. Nhờ vậy, bộ vi xử lý của Intel trở nên phổ biến và ngược lại cũng giúp cho Windows chiếm lĩnh thị trường. Microsoft chính thức trở thành người khổng lồ. Từ đó cho đến nay, HĐH Windows đã chiếm ưu thế với số lượng cài đặt trên máy tính cá nhân lên tới 90%.
Cách làm của Apple vào thập niên 1980 và kéo dài tới tận cuối thập kỷ 1990 là thiết kế máy với cấu trúc vi xử lý cùng HĐH riêng biệt đã khiến cho giá thành máy rất cao. Phiên bản Lisa mà hãng ra mắt năm 1983 có mức giá lên tới 10.000 USD. Điều này đã ngăn cản sức tăng trưởng và sự phổ biến của những máy tính Mac trên thị trường. Còn cách thức bán phần mềm đóng gói của Microsoft đã giúp cho PC trở thành loại máy tính có giá rẻ, phổ biến trên toàn cầu và nền công nghiệp điện toán bước sang một trang mới.
Cũng có thể, Apple đã thua trận trong thời điểm này vì đã không tin tưởng vào tầm nhìn của Steve Jobs, sớm loại ông khỏi đội ngũ điều hành từ những năm 1984. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi Apple, Steve Jobs thành lập Next – một công ty máy tính chuyên cung cấp những máy sử dụng công nghệ kỹ thuật cao và không thể phổ biến do giá thành. Trong năm 1993, Nễt chỉ bán ra được 50.000 máy và chuyển sang phát triển phần mềm.
Thập niên 1990 – Các hãng máy tính kỳ vọng vào NUI, sự trở lại của Steve Jobs
Khoảng giữa thập niên 1990, khi mà Microsoft đứng đầu về việc phát triển GUI, các hãng khác bắt đầu hy vọng vào nền tảng giao diện người dùng mạng (NUI – Network User Interface) và phát triển giao diện này. NUI mở ra khả năng có một giao diện thống nhất để định hướng trong các hệ thống cục bộ hay ở xa, người dùng có thể quên đi ranh giới, giới hạn giữa các máy tính. Có thể hiểu đơn giản là bạn cần có một máy trạm và các tài nguyên, phần mềm, thao tác sẽ được xử lý chính ở trên server. Tất cả NUI đều có một điểm giống nhau: chúng thể hiện tài nguyên mạng cũng giống như tài nguyên trên máy cục bộ. Tuy nhiên, chúng không thể che dấu được những khác biệt mang tính vật lý bởi hạn chế của đường truyền (giải thông). Truy cập vào Web server ở xa luôn chậm hơn truy cập vào đĩa cứng nằm trong máy cục bộ. Nhưng điều mà NUI có thể làm được là xóa nhòa bớt ranh giới này. Một cách để thực hiện vấn đề trên là đưa ra sự hiển thị đồ họa tổng thể đối với tất cả các tài nguyên. Cách khác là tích hợp đặc tính mạng vào các thao tác thông thường trên máy tính, mà không buộc người dùng phải chạy một chương trình riêng biệt chỉ để thực hiện những tác vụ đã trở thành công việc thường xuyên. Tiếp theo, NUI sẽ bao gộp luôn chức năng của các chương trình dành riêng để sử dụng mạng như Web browser, Newsreader, FTP client, e-mail, soạn thảo HTML…
NUI có thể coi là khai sinh của điện toán đám mây hiện nay (Cloud Computing). Nhưng do hạn chế về công nghệ, thời điểm đó NUI không thành công. Cho đến tận thời điểm hiện nay 2011, Cloud Computing vẫn chưa thật sự phát triển. Hơn nữa, Microsoft tỏ ra tiến xa hơn Apple, IBM hay bất kỳ nhà sản xuất Unix nào trong việc cải tiến GUI ở thời điểm đó. Năm 1995, Microsoft cho nổ “quả bom” Windows 95. HĐH với giao diện trực quan nhất vào thời đó nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và thúc đẩy PC phát triển mạnh hơn nữa. Đối mặt với cuộc cách mạng Internet, Microsoft cũng bắt đầu có một cái nhìn mới. Memphis (Windows 97) và Windows NT thể hiện rất rõ chiến lược của họ khi đó với việc phát triển một HĐH thống nhất giữa Web và giao diện người dùng. Điều này đã làm cho Windows đứng vững trong hơn 10 năm tiếp theo. Còn Apple, vẫn giữ nguyên cách thức phát triển nền tảng phần cứng và HĐH riêng đã trượt dài và phải tìm cách để Steve Jobs trở lại.
Năm 1996, Apple kéo Steve Jobs trở lại bằng thỏa thuận mua NeXT vào cuối năm đó với giá 429 triệu USD. Jobs trở lại vị trí giám đốc điều hành tạm thời trong tháng 9 năm 1997. Sau đó, ông đã thỏa thuận với Microsoft bằng một khoản đầu tư 150 triệu USD của Microsoft vào Apple cùng với cam kết phát triển phần mềm Microsoft Office cho HĐH Mac. Trong diễn đàn “All Things D” năm 2007, Jobs đã kể lại về thời điểm này như sau: “Bill thật sự tử tế. Anh ấy nói với tôi: Apple như là một con thuyền ở giữa dòng nước xoáy và nhiệm vụ của anh là chỉ cho con tàu đó đi đúng hướng!”. Thực tế, nhờ có sự quay lại của Jobs, Apple đã có được những sáng chế vô giá vì Jobs đã điều hành Next với một nỗi ám ảnh về việc hoàn thiện thẩm mỹ. Hầu hết công nghệ của Next được ứng dụng cho các sản phẩm của Apple, nổi bật nhất là NeXTSTEP, sau này đã trở thành hệ điều hành Mac OS X. Kể từ khi Jobs quay lại, Apple từng bước tăng doanh thu qua việc ra mắt iMac và những sản phẩm mới khác. Hãng cũng thay đổi khi sử dụng phần cứng mang nền tảng X86 của Intel thay vì phần cứng phát triển riêng như trước. Nhưng thành công rực rỡ hiện tại của Apple khởi nguồn từ sản phẩm iPod và sự ra đời của Itunes Store khi Apple đánh mạnh vào thị trường máy nghe nhạc.
Tầm nhìn tương lai và “tạo ra một sản phẩm thật sự tốt”
Nếu so sánh giữa hai thiên tài Steve Jobs và Bill Gates thì Jobs tạo ra những sản phẩm thật sự cuốn hút người tiêu dùng còn Bill Gates thì có tầm nhìn xa và chính xác về xu thế của nền công nghệ tương lai. Vào thời điểm 2007, khi Bill và Jobs cùng nói về tương lai của điện toán thế giới trong 5 năm tiếp theo, Bill đã tin tưởng vào một tương lai của những chiếc máy tính bảng, của iPad “Tôi không nghĩ bạn sẽ có đơn thuần là một thiết bị mà tôi nghĩ bạn sẽ có một thiết bị với màn hình lớn mà bạn có thể mang theo đi khắp nơi. Bạn sẽ làm được nhiều thứ với nó hơn là chỉ đọc… Ý tôi muốn nói là tôi tin vào một thiết bị có hình thức như máy tính bảng… Và bạn sẽ có một thiết bị cất vừa trong túi với một loạt các chức năng kết hợp trong đó. Nó sẽ như là máy tính, thiết bị truyền thông, là điện thoại”. Chính ở thời điểm này, khi ngồi cạnh Bill nói về tương lai của máy tính, Jobs vẫn còn tin tưởng vào sự tồn tại của PC – PC như một thiết bị nòng cốt, là trung tâm của cuộc sống số và các thiết bị đặc biệt như iPod chỉ là vệ tinh xung quanh nó. Thông điệp marketing của Apple thời điểm đó cũng mang theo tư tưởng này của Jobs. Giới công nghệ vẫn lưu truyền câu chuyện, khi Bill Gates là người duy nhất tin vào một tương lai ở phía bên kia của máy PC thì Jobs vẫn chơi bài “PC là thiết bị số nòng cốt”
Thực tế, Bill Gates đã có tầm nhìn về một thiết bị như máy tính bảng từ đầu năm 2000. Vào thời điểm 2002, đã có những chiếc máy tính bảng ra đời chạy HĐH Windows XP phiên bản tablet. Nhưng sự quanh quẩn với HĐH Windows, muốn gắn chiếc máy tính bảng với HĐH cốt lõi của hãng đã giết chết chiếc máy tính bảng của Bill. Microsoft đã không suy nghĩ đến việc tạo ra một HĐH riêng cho máy tính bảng. Hơn nữa, công nghệ cảm ứng thời kỳ đó chưa theo kịp được ý tưởng của ông và Bill thì vẫn luôn nghĩ một chiếc máy tính bảng cần có bút hay bàn phím cứng để phục vụ việc nhập dữ liệu. Sau đó, Microsoft đã có những dự án máy tính bảng riêng như Courier hay thử tích hợp khả năng cảm ứng vào Windows 7 nhưng đều không thành công. Bill đã phải thú nhận một điều cần học từ Apple đó là phải “tạo ra những sản phẩm thật sự tốt”.
Sau này, Steve Jobs đã đồng ý với nhận định của Bill và nghĩ rằng iPad sẽ là tương lai và những chiếc PC truyền thống sẽ đi vào quên lãng “Thời thế đã thay đổi, những chiếc PC truyền thống cũng như thế giới của nó đang dần chìm vào quên lãng… Chúng ta đang hướng tới một tương lai mà tất cả những gì có trong một chiếc máy tính sẽ ở một dạng khác. Và vì thế, tất cả những gì được xây dựng, có trong chiếc máy tính không còn quan trọng. Người ta sẽ chỉ quan tâm Nó là cái gì, bạn sử dụng nó thế nào? Bạn biết đấy, người tiêu dùng sẽ tiếp cận nó thế nào? Và tất nhiên sẽ chẳng ai quan tâm bên trong nó có cái gì nữa”. Cùng với tư tưởng đó và liên tục đầu tư để sáng tạo nên những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, những thiết bị như iPhone, iPod, iPad và HĐH iOS cùng Steve Jobs đã đưa Apple vượt lên trên Microsoft trở thành hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Microsoft đã thua lần đầu tiên không phải vì không biết đến xu thế của tương lai mà họ đã không tạo được văn hóa và những sản phẩm tốt như của Apple. Và một điều đáng ngạc nhiên, chính những gì ban đầu Apple từng làm “một thiết bị có phần cứng riêng, hệ điều hành riêng” đến gần 3 thập kỷ sau lại giành chiến thắng.
Video Steve Jobs và Bill Gates nói về tương lai của điện toán thế giới