LuxeVN – Vài năm trước, nếu có ai hỏi Maximilian Büsser rằng liệu anh chàng có quan tâm tới cái gì khác ngoài đồng hồ hay không thì sẽ nhận được câu trả lời chắc nịch là “Không!”. Vậy mà giờ đây, hai tên tuổi MB&F và Reuge đã cùng hợp tác để cho ra mắt một siêu phẩm mới toanh: “cỗ máy chơi nhạc” MusicMachine.
Khi lần đầu ra mắt tại sự kiện Baselworld 2013 vừa qua, “cỗ máy chơi nhạc” đầu tiên của MB&F, cũng giống như những cỗ máy thời gian của thương hiệu này trước đây, đã đưa công chúng đi từ ngỡ ngàng, thảng thốt đến thán phục.
Nói đến hộp nhạc truyền thống, hình ảnh liên tưởng ban đầu đối với nhiều người có thể là một hộp gỗ quý được chế tác tinh xảo và mỗi khi mở nắp, một nữ diễn viên ba lê bắt đầu xoay và nhạc của Mozart hay Bach cất lên. “MusicMachine có nhiệm vụ là thay đổi quan niệm đó!” – chàng kĩ sư siêu vi kiêm nghệ nhân, Maximilian Büsser, tuyên bố.
Với 2 chân vịt và “cylinder” (xi-lanh) bạc gắn trên giá đỡ, trông MusicMachine giống như một con tàu vũ trụ đến từ một nơi xa xôi trong dải ngân hà. Những ý tưởng và mẫu thiết kế của MB&F luôn làm người xem phải “shock” đã được Reuge hoàn thiện một cách hoàn hảo.
Có một điều thú vị là ngành sản xuất hộp nhạc và ngành đồng hồ có nhiều “duyên phận” trong quá khứ: Charles Reuge đã chế tác bộ phát nhạc cho đồng hồ từ năm 1865. Hơn ai hết, Reuge hiểu sự tương đồng kỹ thuật trong quá trình chế tác của hai loại hình. Còn nếu xét về mặt địa lý, ngôi làng Sainte-Croix (nơi “chôn nhau cắt rốn” của nghề làm hộp nhạc) được coi như là “ban công” của dãy Jura – “cái rốn” của nghề đồng hồ Thụy Sĩ.
Mỗi xi-lanh của MusicMachine chơi 3 điệu nhạc. Xi-lanh bên trái là những bản nhạc phim sci-fi “Star Wars”, “The Empire Strikes Back” và “Star Trek”. Xi-lanh bên phải của cỗ máy thì chơi những bản nhạc rock kinh điển: “Another Brick in the Wall” của Pink Floyd, “Smoke on the Water” của Deep Purple và bản hòa bình ca “Imagine” của John Lennon.
MusicMachine được sản xuất giới hạn với số lượng 33 chiếc màu trắng và 33 chiếc màu đen. Maximilian Büsser và Reuge lí giải rằng “cỗ máy chơi nhạc” màu đen sẽ dành cho những ai nghiêng về phía “the dark side” (phần tăm tối) – hình tượng phản diện trong series phim Star Wars và là hình ảnh chủ đề của album “Dark side of the Moon” năm 1973 của ban nhạc rock huyền thoại Anh quốc Pink Floyd.
Video giới thiệu MusicMachine (thực hiện bởi TheWatchesTV):
Quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết tại đây.
Minh Toàn