LuxeVN – Ngoài các tiêu chuẩn về trọng lượng, màu sắc và độ trong suốt, một viên kim cương có hấp dẫn hay không còn phụ thuộc vào cách cắt.
Để tối ưu hóa độ lấp lánh và rực rỡ của kim cương, các cách cắt (hay còn gọi là giác cắt) cần được tính toán chuẩn xác theo tỷ lệ nhất định. Một viên kim cương được cắt hoàn hảo thì khả năng chiết quang và phản xạ ánh sáng sẽ ở mức lý tưởng, qua đó nâng cao giá trị của kim cương.
Kiểu tròn (Round/Brilliant)
Kim cương cắt kiểu này chiếm đến 75% lượng kim cương bán ra toàn thế giới. Giác cắt tròn cho viên kim cương khả năng chiết quang và phản xạ ánh sáng cao nhất. Một viên kim cương cắt kiểu này sẽ có 58 mặt cắt nhỏ xung quanh đỉnh, vành và đế của một viên kim cương.
Kiểu chữ nhật nhọn góc (Princess)
Kim cương cắt kiểu princess (dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật nhọn ở bốn đỉnh) là phát minh của Betzale Ambar và Israel Itzkowitz vào năm 1980. Đây là dạng kim cương hay được dùng cho nhẫn cưới. Cũng như kim cương cắt dạng tròn, kim cương cắt kiểu “công chúa” khá linh hoạt khi kết hợp cùng kiểu nhẫn, dây chuyền hay khuyên tai.
Giá kim cương cắt kiểu Princess có xu hướng thấp hơn một chút so với các viên kim cương cắt kiểu Round. Vì sau khi cắt, vẫn còn gần 60% trọng lượng của một viên đá thô được duy trì.
Kiểu chữ nhật xếp tầng (Emerald)
Kiểu cắt này đặc biệt ở cấu trúc xếp tầng với các mặt được cắt theo hình chữ nhật. Kim cương cắt kiểu Emerald kém lấp lánh và rực rỡ nhưng bù lại, nó trông tinh khiết hơn các dạng cắt khác. Khi mua trang sức nạm kim cương dạng chữ nhật xếp tầng, khách hàng nên chọn loại kim cương có chất tốt, ít tạp chất nhất. Bởi những lát cắt dạng này có thể để lộ những khiếm khuyết trên bề mặt của kim cương.
Kiểu hình vuông cắt góc (Asscher)
Kiểu cắt Asscher chỉ khác Emerald ở dạng hình vuông. Đây là kiểu cắt do anh em nhà Asscher (Hà Lan) đưa ra lần đầu năm 1902 và trở nên phổ biến nhất vào những năm 1920. Kim cương kiểu này bắt đầu quay trở lại vào năm 2002 và lấp lánh hơn so với kim cương cắt bằng kỹ thuật truyền thống. Một viên kim cương cắt kiểu Asscher đạt tiêu chuẩn sẽ có tâm hình vuông khi ta nhìn xuyên qua mặt cắt.
Kiểu hạt thóc (Marquise)
Cái tên này bắt nguồn từ vua Louis XIV của Pháp. Vốn là một người yêu kim cương, ông cho rằng kiểu cắt này sánh ngang với vẻ đẹp trong nụ cười của Jeanne Antoinett Poisson (hay còn gọi là Marquise de Pompadour – bà hầu tước Pompadour). Ngón tay người đeo nhẫn nạm kim cương dạng này bao giờ cũng tạo cảm giác thon dài hơn.
Kiểu Oval
Kiểu cắt oval là sáng tạo của Lazare Kaplan vào những năm 1960. Đây là kiểu cắt phát triển từ kiểu cắt hình tròn. Do hai dạng cắt này đều cho độ chiết quang và phản quang giống nhau nên kim cương hình oval là lựa chọn lý tưởng cho khách hàng muốn có một viên kim cương lấp lánh nhưng độc đáo hơn. Hình oval tạo cảm giác viên kim cương có kích thước lớn hơn và ngón tay người đeo trở nên thon dài hơn.
Kiểu chữ nhật cắt góc (Radiant)
So với kiểu cắt Pricess, điểm khác biệt của kim cương cắt kiểu Radiant là các góc của hình chữ nhật (hoặc hình vuông) không nhọn.
Kiểu trái lê/giọt lệ (Pear)
Tên gọi của kiểu cắt kim cương này được lấy từ hình dạng của nó: đỉnh nhọn và thuôn tròn ở đáy. Đây là sự kết hợp giữa hai giác cắt: Round và Marquise. Bao giờ phần thuôn tròn của viên kim cương cũng hướng về người đeo. Cũng giống như kim cương cắt kiểu Marquise và Oval, Pear giúp cho tay người đeo thon dài hơn. Một viên kim cương cắt kiểu này phải đảm bảo đỉnh nhọn cân với đáy mài tròn, vai và hai bên sườn tạo thành những đường cong đối xứng và đồng nhất.
Kiểu trái tim (Heart)
Kiểu cắt này dứt khoát là nỗ lực của các nghệ nhân nhằm vĩnh cửu hóa tình yêu. Tiêu chuẩn của một viên kim cương hình tim cân đối là: hai nửa của trái tim phải giống hệt nhau; khe sắc nét và dễ nhận ra; cánh có dạng hơi tròn. Một viên kim cương cắt dạng hình tim nhỏ sẽ không phải là một sự lựa chọn tinh tế vì sẽ rất khó nhận ra hình dạng của nó khi đặt vào trong các ngạnh nhẫn.
Kiểu chữ nhật tròn góc (Cushion)
Kim cương cắt dạng này có hình dáng gần giống với cái gối (cushion). “Cái gối” đến nay đã gần tròn 200 tuổi. Nó rất phổ biến vào thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Kim cương cắt kiểu Cushion truyền thống có mức độ phản chiếu ánh sáng “dày”.
Đan Thanh