LuxeVN – Mặc dù mặt bằng chung của thị trường xa xỉ Trung Quốc năm qua bị chững lại. Nhưng khá bất ngờ, đây lại là một trong 3 thị trường buôn bán nghệ thuật tăng trưởng tốt nhất thế giới năm 2014 với tỉ lệ 22%, ngang bằng Anh.

Báo cáo của Tổ chức Nghệ thuật châu Âu (TEFAF) cho thấy năm 2014 thị trường nghệ thuật toàn cầu đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 7% tương đương 51 tỉ bảng Anh doanh thu đạt được trong 12 tháng. Quốc gia có các hoạt động kinh doanh nghệ thuật khởi sắc nhất là Mỹ với tỉ lệ tăng trưởng 39%.

“Điểm sáng của thị trường năm qua là doanh thu từ các tác phẩm nghệ thuật Hiện đại và Đương đại,” ông Clare McAndrew, chuyên gia về thị trường nghệ thuật và mỹ thuật, người sáng lập Art Economics, đơn vị tư vấn và phân tích thị trường nghệ thuật uy tín tại Anh quốc, nhận xét.

tumblr_n3xrvoCYKX1qh3qnyo1_1280

Thị trường nghệ thuật toàn cầu đã có 1 năm tăng trưởng khởi sắc

Năm 2014, tác phẩm được xếp vào nghệ thuật Đương đại (được định vị là tác phẩm của các tác giả sinh sau năm 1910) chiếm 48% doanh khối lượng đấu giá mỹ thuật và doanh thu của mảng nghệ thuật Hiện đại (được định vị là tác phẩm của các nghệ sĩ sinh trong khoảng 1875 – 1910) chiếm 28% doanh thu cả thị trường.

Mỹ là quốc gia chia sẻ gần nửa giá trị của thị trường với các tác phẩm Đương đại, riêng các tác phẩm Hiện đại thì chia đều 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc. Tác phẩm của các bậc thầy chiếm 8% doanh thu cả thị trường và Anh là nơi bán được nhiều tác phẩm loại này nhất, chiếm 50% tổng doanh thu cả thị trường. Riêng mảng nghệ thuật Trung Quốc trong năm 2014 đạt doanh thu 1.6 tỉ Euro, sụt giảm 2% so với đà tăng trưởng hàng năm.

BRITAIN-ART-AUCTION-FILES

Tác phẩm này được bán với giá hơn 70 triệu USD trong đêm đấu giá tác phẩm Đương đại của nhà Christie’s hồi đầu năm 2014

“Nghệ thuật vốn là một thị trường được phân cực rõ ràng với một cộng đồng không quá lớn những nghệ sĩ, người mua, kẻ bán… nhưng đem lại tổng khối lượng giá trị rất cao. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trực tuyến trở thành một xu thế rất hứa hẹn. Đặc biệt nó khuyến khích sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng giao dịch ở phân khúc tác phẩm trị giá không cao,” ông Clare McAndrew nhận xét.

Hàng loạt công ty kinh doanh nghệ thuật trực tuyến ra đời đã trở thành hiện tượng nổi bật và được bàn luận nhiều nhất trong thị trường nghệ thuật thế giới mấy năm gần đây. Internet đã cách mạng hoá giao dịch nghệ thuật. Đặc biệt, sự tăng cường của các công cụ hỗ trợ việc giao dịch, mua bán và đảm bảo độ tin cậy của các giao dịch ảo giúp tốc độ tăng trưởng của thị trường này càng tăng mạnh. Các sàn giao dịch ảo đạt doanh thu 3.3 tỉ Euro trong năm 2014, chiếm khoảng 6% tổng gía trị thị trường nghệ thuật toàn cầu. Đặc biệt, đúng như vị chuyên gia người Anh phát biểu, các tác phẩm được giao dịch trên “sàn ảo” nằm trong phâm khúc giá trị từ 1.000 tới 50.000 USD. Các địa chỉ nổi bật nhất phải kể tới Art.com. Artspace.com và Gagosian.com.

Việt Nam ở đâu trong thị trường nghệ thuật toàn cầu? 

Bản báo cáo của TEFAT không dành nhiều thông tin về các thị trường nghệ thuật thuộc nhóm “đang phát triển” vì thế không ngạc nhiên khi Việt Nam không xuất hiện trong bản báo cáo này. Mặc dù vẫn có những tác phẩm của tác giả Việt Nam giao dịch thành công trong các phiên đấu giá mà đơn cử như phiên đấu giá của nhà Christie’s hồi tháng 5 năm ngoái. Nhưng theo giới trong nghề, chưa thể nói tới một thị trường nghệ thuật Việt Nam trong tương lai gần bởi tác giả, tác phẩm Việt còn được biết đến rất hạn chế. Theo hoạ sĩ Lê Thiết Cương, tại một cuộc toạ đàm gần đây về thị trường nghệ thuật Việt Nam và ĐNÁ, trước hết cần có một thị trường nội địa có sức sống để có nền tảng cho việc mở rộng tầm quốc tế.

 Hiếu Vân

“Bí kíp” sưu tầm tác phẩm nghệ thuật