LuxeVN – Bạn định mua một chiếc Hermès Kelly, Alexander McQueen Novak hay một chiếc xắc Chanel… nhưng lại đang đau đầu vì hàng nhái quá nhiều và cứ dăm bữa nửa tháng lại có một vụ lùm xùm về thật giả hàng hiệu ở Việt Nam? Bài viết này hi vọng thể giúp bạn tự trang bị “vũ khí” trong cuộc chiến với hàng giả.
>>>>> Hàng hiệu ở Việt Nam và những sự vụ ầm ĩ
Chắc chắn không ai muốn rước về một chiếc túi nhái (fake/phony) với số tiền đáng lẽ đủ mua một chiếc túi chính hãng (authentic). Hãng sản xuất và nhà thiết kế càng không đời nào muốn bạn rơi vào trường hợp đó. Dẫu những thương hiệu hàng đầu ngành công nghiệp thời trang không ngừng bảo vệ sản phẩm bằng đủ biện pháp kỹ thuật công nghệ ngày một phức tạp nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta miễn dịch với hàng nhái.
Bài viết này, có thể chưa hẳn là một bí kíp vẹn toàn nhưng hi vọng có thể chia sẻ với bạn đọc những kinh nghiệm để “tự vũ trang” trong cuộc chiến với hàng giả.
Chuẩn bị gì trước khi rút ví?
Một chiếc túi chính hãng thường do chính các nhà thiết kế (in-house designer) của thương hiệu đó tạo ra. Cụ thể trong ê-kíp, một nhà thiết kế chính sẽ đảm nhận mẫu túi chủ lực của bộ sưu tập. Chất liệu da, logo của hãng, đường khâu viền, thẻ (tag), chữ ký hoặc đặc trưng riêng của người thiết kế là những dẫn chứng cho tính xác thực của một chiếc túi xách. Do vậy, việc đầu tiên là bạn cần tìm hiểu qua về những đặc trưng của dòng sản phảm mình đang quan tâm.
Cách nhanh nhất là đọc trước thông tin về chiếc túi trên website chính hãng hoặc trên các blog bình luận về túi xách uy tín (chẳng hạn diễn đàn purseblog.com). Catalog hoặc tạp chí nội bộ của thương hiệu cũng là một kênh thông tin hữu ích – hãy hỏi nhân viên cửa hàng về các ấn phẩm này.
Kiểm chứng những kênh thông tin đáng tin cậy
Kể từ khi Việt Nam tham gia WTO năm 2007, thời trang và bán lẻ là lĩnh vực thu hút nhượng quyền mạnh mẽ nhất. Hiện chúng ta đã có cửa hàng flagship chính hãng của nhiều thương hiệu cao cấp để kiểm tra. Nhân viên tại các cửa hàng này được đào tạo kiến thức về dòng sản phẩm của từng mùa. Do đó, nếu cần kiểm tra một sản phẩm túi có chính hãng hay không, hãy đặt một cuộc hẹn với cửa hàng. Nếu chiếc túi bạn muốn kiểm tra có xê-ri “cổ lai hy”, nhân viên sẽ đặt lịch hẹn cho buổi kiểm tra để bạn có thể sắp xếp. Hệ thống bán hàng của hãng cũng lưu lại thông tin của khách hàng trong trường hợp sản phẩm bạn muốn kiếm tra là túi cũ.
Trong trường hợp bạn muốn mua túi xách đã qua sử dụng (hàng second-hand) tại các cửa hàng chuyên đồ cũ hoặc mua trên mạng internet, bạn nên giao dịch với người bán hàng có uy tín, đã được chứng thực (nếu là giao dịch trên diễn đàn hay Facebook) bởi nhiều khách hàng. Tốt nhất bạn nên trực tiếp kiểm tra sản phẩm. Mỗi chiếc túi bao giờ cũng đi kèm hóa đơn mua hàng, túi bọc bảo vệ (gọi là “dust bag”)… hãy yêu cầu người bán cho bạn xem chúng. Đi cùng với hóa đơn là thông tin bảo hành trong trường hợp sản phẩm bị lỗi hoặc người mua không cảm thấy hài lòng vì nguyên nhân nào đó. Nếu người bán lảng tránh đưa ra hóa đơn mua hàng, thông tin bảo hành và ảnh chụp thật của chiếc túi (ở nhiều góc độ) thì đó không phải là người kinh doanh nghiêm túc, sản phẩm rao bán rất có khả năng là hàng nhái.
Các thẻ (tag) của một chiếc túi Prada, bao gồm cả một thẻ chứng nhận chính hãng (hay gọi là “thẻ Auth”)
Một kinh nghiệm khác, nếu có bạn bè là fashionista – fashionisto hay stylist thời trang, hãy tham khảo ý kiến của họ. Bạn có thể có thêm những địa chỉ mua hàng chính hãng tin cậy. Người xưa đã dạy “buôn có bạn, bán có phường”, chẳng có lý do gì mà người yêu hàng hiệu lại không thể giúp nhau.
Hàng hiệu thì đừng tin… giá rẻ
Có lẽ không cần giải thích vì sao một chiếc túi cao cấp lại đắt. Chúng ta đều biết chúng được làm thủ công từ chất liệu hiếm và được thiết kế bởi các nhà thiết kế hàng đầu. Bên cạnh đó là câu chuyện thương hiệu và truyền thông đã biến những chiếc túi xách, xắc tay trở thành biểu tượng của đẳng cấp hay sự sành điệu.
Chanel, Hermès hay Louis Vuitton… không có cửa hàng “outlet” hay chủ trương bán “hóa giá” sản phẩm lỗi. Nếu bạn mua phải một sản phẩm lỗi, hãng sẽ đổi cho bạn một chiếc túi mới. Còn với những túi lỗi, chúng sẽ được đem đi… “hóa vàng”. Vì thế, đừng bao giờ phung phí niềm tin vào những chiếc túi hàng hiệu mà có giá khuyến mãi nhé. Tất nhiên, trừ khi bạn được mời tham gia một chương trình “private sale” dành riêng cho những khách hàng thân thiết của thương hiệu hoặc cửa hàng.
Các dấu hiệu chung để nhận biết túi nhái
– Để ý các đường khâu của túi: có bị nghiêng, không đều không?
– Kiểm tra thẻ (tag) hoặc nhãn mác: thẻ thông tin bên trong chiếc túi liệu có được thương hiệu đóng dấu vào da hoặc khâu tay không? Túi giả có thể không có thông tin, mã sản phẩm trên thẻ.
– Kiểm tra chất liệu: nếu đó là da thật thì thường có mùi rất đặc trưng. Một yếu tố đáng lưu ý khác là trọng lượng của túi, túi giả thường có trọng lượng nhẹ hơn túi thật.
– Kiểm tra biểu tượng, logo bên trong lẫn bên ngoài túi. Hàng nhái có thể hay gặp lỗi ở việc đánh vần sai tên thương hiệu, chẳng hạn như “Carter” thay cho “Cartier”. Chỉ cần có một lỗi ký tự bất kỳ trên logo thì bạn có thể chắc chắn đó là túi fake. Thậm chí, bạn cần để ý cả cỡ chữ, phông chữ sử dụng, khoảng cách giữa các chữ trên logo đó.
Logo Prada bên ngoài hình tam giác với 3 dòng chữ “Prada-Milano-Dal 1913” bằng bạc hoặc mạ vàng và logo bên trong hình chữ nhật có hai dòng chữ “Prada-Made in Italy” (Ảnh: forum.purseblog.com)
Louis Vuitton là hãng túi bị làm giả nhiều nhất. Trên các sản phẩm, logo LV bao giờ cũng được đặt ở vị trí chính giữa túi. Chúng không bao giờ nằm lệch sang một bên, dịch lên các mép hay làm nền, ngoại trừ các túi kiểu bụi. Với các sản phẩm da 1 miếng may vòng theo chiều ngang hoặc dọc thì ta sẽ có hai mặt logo khác nhau. Tuy nhiên, ở các sản phẩm nhái, logo LV thường không cân xứng và có kích thước bất hợp lý.
Trên các sản phẩm có nhiều màu (multicolor), bao giờ bạn cũng đếm được chính xác 9 chữ LV và 24 bông hoa monogram các màu khác nhau. Multicolor được in 33 lớp màu khác nhau, nghĩa là phải in 33 lần. Các sản phẩm đều tuân thủ theo chuẩn mực nghiêm ngặt. Ví dụ như chân quai túi xách Monogram, dòng chữ Speedy bao giờ cũng may 5 đường chỉ mỗi góc. Các chi tiết, khắc, mạ dập đều được làm rất tinh xảo và sắc nét…
Để đảm bảo tính chính hãng, mỗi sản phẩm của LV đều có chứa một “Date Code” và một số series, không bao giờ là một số hiệu model. Đồ LV thật bao giờ cũng có 6 ký tự chỉ ngày tháng sản xuất và số serie.
Từ trái qua phải, 2 kí tự đầu là chữ cái ký hiệu nhà máy sản xuất. 4 ký tự cuối là số, số thứ nhất và thứ ba chỉ tuần, số thứ 2 và thứ 4 chỉ năm. Ví dụ như MB5007 có nghĩa là MB: sản xuất tại Pháp, 50: tuần thứ 50, 07: năm 2007.
– Kiểm tra lớp lót bên trong túi. Nếu cọ xát lớp lót với nhau cho âm thanh như bạn đang chà hai tờ giấy thì chiếc túi đó không phải là hàng thật.
– Màu sắc của túi: bạn đang mê mẩn một chiếc túi có màu sắc hấp dẫn, hợp mệnh hợp tuổi nhưng hãy kiểm tra lại xem thương hiệu (và dòng túi) đó đã từng sản xuất bất kỳ sản phẩm nào mang màu sắc ấy hay chưa?
Tạm kết
Do được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn nên giá thành một chiếc túi giả rất rẻ. Dù được đẩy giá lên nhiều lần qua quá trình phân phối (buôn lậu, trốn thuế) nhưng không thể phủ nhận vẫn có một số lượng người tiêu dùng không nhỏ ưa chuộng túi nhái. Đơn giản, so với túi xịn nó vẫn quá rẻ. Thậm chí, túi siêu nhái – super fake (sao chép tỉ mỉ tới từng chi tiết) cũng khiến các “tín đồ” thời trang xiêu lòng với giá nhiều khi chỉ bằng 1/5 sản phẩm chính hãng.
Đối với hành nhái, các bên đều cảm thấy mình có lợi trong quan hệ cung – cầu. Đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, một chiếc túi chính hãng nhiều khi là cả một gia tài. Do đó, hàng nhái dù có cơ sở để tồn tại nhưng sự bành trướng và hung hãn của nó lại gây tổn thất lớn cho không chỉ bản thân thương hiệu bị nhái mà còn cả nền kinh tế quốc gia.
Mia Jacobs