LuxeVN – Nếu như com-lê có nguồn gốc từ nước Anh thì Ý và Mỹ lại mang đến những dấn ấn riêng về phong cách cho trang phục này.

Người ta nói rằng com-lê có hơn 200 năm lịch sử và có nguồn gốc từ Anh. Có lẽ đó chính là lý do mà khi nói tới thời trang cao cấp dành cho nữ người ta nói tới Haute Couture của Pháp, còn khi nói tới thời trang cao cấp của nam người ta nói tới Savile Row (một cung đường khá ngắn, quy tụ những nhà thời trang cao cấp và lâu đời nhất của đảo quốc này như Gieves & Hawkes, Henry Poole & Co, Norton & Sons).

luxevn-tan-man-suit-01

Cắt suit bespoke tại Savile Row, London (Ảnh: Matjaž Tančič)

Những bộ com-lê cao cấp ở Savile Row cũng thực hiện theo cách hoàn toàn bespoke nên có số lượng giới hạn khá thấp, toàn bộ cung đường có khoảng 19 nhà may nhưng mỗi năm chỉ khoảng 6.000-7.000 bộ com-lê ra đời. Có lẽ ý thức rõ việc đồ nam cao cấp chỉ thực sự cao cấp khi được thực hiện ở Anh (giống như Haute Couture phải là của Paris), hãng Dunhill thậm chí đã đưa ra dịch vụ may đo hàng thửa, theo đó khách hàng phải tới London để có một bộ com-lê bespoke.

Nghệ nhân Peter O'Neil  (Gieves and Hawkes) đang cắt một bộ suit cho khách hàng đặt đồ bespoke (Ảnh: Dan Kitwood)

Nghệ nhân Peter O’Neil (Gieves & Hawkes) đang cắt một bộ com lê bespoke (Ảnh: Dan Kitwood)

Trên thế giới, ngoài com-lê Anh còn có com-lê Ý cũng rất nổi tiếng. Sau đó là com-lê Mỹ cũng có một dấu ấn riêng về phong cách. Nước Ý khá nổi tiếng với những cái tên như Kiton, Pal Zileri, Zegna, Canali, Loro Piana. Trong đó, Loro Piana gần như được xếp số một thế giới về vải cashmere với loại cashmere được dệt từ lông dê non một tháng tuổi.

Bàn tay của nghệ nhân suit Darren Beaman, những bộ suit của ông có giá từ 2.000 Bảng (khoảng 70 triệu đồng)

Bàn tay của thợ may Darren Beaman, những bộ com-lê của ông có giá từ 2.000 Bảng (khoảng 70 triệu đồng)

Vậy sự khác biệt giữa 03 loại com-lê Anh, Ý, Mỹ là gì?

Com-lê kiểu Anh có cầu vai được đệm vừa phải nếu không nói là rất mỏng, dáng vai xuôi, ôm gọn vào vai người mặc. Quần và áo được cắt vừa vặn tới mức tuyệt đối. Có thông tin rằng thợ may Savile Row giỏi nhất cũng cần tới bốn lần thử (fitting – chỉnh sửa trên người mặc, giống như công việc fitting của Haute Couture, mới có thể hoàn thiện được một bộ com-lê). Ve áo (lapel) khá to, thân áo dài. Ngoài ra, những mẫu áo com-lê kiểu Anh bao giờ cũng có thêm một chiếc túi “ticket pocket” nằm ngay trên túi chính bên áo trái. Áo cũng được xẻ (vent) ở hai bên sườn.

Dịch vụ may đo com lê của Canali có tên là "Su Misura"

Dịch vụ may đo com lê của Canali có tên là “Su Misura”

Com-lê kiểu Ý có cầu vai đệm dày hơn, hơi vểnh lên tạo thành hình yên ngựa. Ve áo nhỏ, eo chiết nhiều hơn (cứ nhìn đồ của Canali thì bạn có thể nhận ra điều này).

luxevn-tan-man-suit-05

Từ khoá phong cách cho những bộ com-lê kiểu Mỹ là Ivy League

Vậy còn com-lê kiểu Mỹ? Người Mỹ vốn thực dụng và rất yêu thể thao. Từ khoá phong cách cho com-lê kiểu Mỹ là Ivy League. Đây là những bộ com-lê có xuất xứ từ những năm 1950 và địa điểm xuất phát là từ khối 8 trường học nổi tiếng nhất nước Mỹ. Học sinh ở các trường này tốt nghiệp ra đều nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội. Họ cũng là những người có xuất thân tốt. Vậy nên đồng phục của trường cũng trở thành một phong cách (Sau này không ít nhà thiết kế thành công cũng như xây dựng được tên tuổi với phong cách này. Trong đó, người thành công nhất phải kể tới Ralph Lauren).

Một bộ com-lê phong cách Ivy League chuẩn sẽ có 3 khuy, trong đó khuy thứ ba trên cùng luôn được “cuộn” giấu phía dưới ve (lapel) của áo và chỉ để lộ khuy thứ hai. Áo sẽ được xẻ giữa. Quần của com-lê Mỹ thường là kiểu quần không ly nhưng có gấu. Com-lê Mỹ thường được may bằng những chất liệu tự nhiên, hay kết hợp với giày lười. Nhìn chung, nếu nói tới com-lê Anh người ta nói tới Gieves & Hawkes, com-lê Ý người ta nói tới Canali thì com-lê Mỹ, người ta nói tới Brooks Brothers.

Michael Douglas và Shia LeBouf mặc suit trong phim Wall Street: Money Never Sleeps

Michael Douglas và Shia LaBeouf mặc com-lê trong phim Wall Street: Money Never Sleeps

Với những người không tự tin vào hình thể của mình, hãy chọn những bộ com-lê phong cách thuần Ý. Trong trường hợp muốn có được một phong cách hiện đại, hãy chọn com-lê của Mỹ. Bạn có thể nhìn cách Shia LaBeouf mặc com-lê của Brooks Brothers trong phim Wall Street: Money Never Sleeps thì biết!

Ở Việt Nam, LUALA từng mời thợ may Giorgio Ascheri của Canali sang Việt Nam may đo com-lê cho khách hàng của mình. Các thương hiệu com-lê như Nam (Hàng Gà, Hà Nội), Xuân Lê hay Dandy (Tràng Thi, Hà Nội) cũng đưa ra dịch vụ may đồ thiết kế riêng cho khách hàng. Việc của chúng ta là chọn cho mình một phong cách phù hợp và trải nghiệm.

Musketeer