LuxeVN – Năm 2014 khép lại với nhiều dấu mốc đáng nhớ của làng thời trang cao cấp thế giới. Bên cạnh tình hình kinh doanh ảm đạm cùng sự ra đi đột ngột của nhiều thiên tài thiết kế thì những nhân tố mới xuất hiện chính là “tia sáng” giúp cân bằng bức tranh thời trang năm vừa qua. Hãy cùng LuxeVN nhìn lại những dấu ấn thời trang nổi bật nhất năm qua.
1. Sự ra đi đột ngột của những thiên tài
Năm 2014 chứng kiến sự ra đi của nhiều tên tuổi lớn, có tầm ảnh hưởng đến ngành thời trang cao cấp toàn cầu. Ngày 18.3.2014, nhà thiết kế L’Wren Scott – chủ thương hiệu thời trang cùng tên, ra đi ở độ tuổi 49 sau khi tự tử tại ngôi nhà riêng trên phố Chelsea, New York. Sau đó hai tháng, ngày 17.5, giới mộ điệu nhận một hung tin khác khi giáo sư thời trang giảng dạy tại trường Central Saint Martins danh giá Louise Wilson từ giã cõi đời trong giấc ngủ tại nhà riêng. Bà là người thầy của những thiên tài thiết kế như Alexander McQueen và Christopher Kane.
Tiếp đó, ngày 27.9, Gaby Aghion, đồng sáng lập nhà mốt Pháp Chloé, qua đời. Không những là người góp công khai phá, thay đổi nhiều khái niệm trong ngành thời trang cao cấp, bà còn là bậc tiền bối, nguồn cảm hứng dẫn dắt cho nhiều thế hệ nhà thiết kế như Karl Lagerfeld, Gérard Pipart hay Stella McCartney…
Sự kiện chấn động nhất có lẽ là việc nhà thiết kế tài danh Oscar de la Renta đột ngột ra đi ở tuổi 82 ngày 20.10.2014, sau chuỗi ngày đấu tranh với căn bệnh ung thư quái ác kể từ năm 2006. Nhà thiết kế Oscar de la Renta ra đi là sự mất mát không chỉ đối với những khách hàng thân thiết của thương hiệu mà còn là tổn thất to lớn với ngành thời trang cao cấp toàn cầu.
2. Những nhân tố thời trang mới xuất hiện
Nữ diễn viên Lupita Nyong’o (31 tuổi) và người mẫu Kendall Jenner (19 tuổi) là hai gương mặt thời trang được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2014. Điểm chung của hai nhân tố này là sức trẻ tràn đầy nhiệt huyết, không ngại thể hiện cá tính bản thân, tận dụng tối đa sức lan truyền và tầm ảnh hưởng của mạng xã hội, cộng thêm sự “cưng chiều” của nhiều nhà mốt lớn – cả hai có một bệ phóng hoàn hảo để trở thành những biểu tượng thời trang mới trong làng mốt.
Nếu như nữ diễn viên Lupita Nyong’o được nhà mốt Prada chăm sóc hết mực khi xuất hiện liên tục trên thảm đỏ hay tại hàng ghế đầu trong nhiều buổi trình diễn của hãng thì người mẫu Kendall Jenner được “quý ông” Karl Lagerfeld ưu ái khi chọn làm gương mặt biểu diễn trong bộ sưu tập Chanel Xuân Hè 2015, sánh bước cùng nhiều tên tuổi lừng danh khác như Cara Delevinge, Gisele Bündchen. Không dừng lại ở đó, nhà thiết kế Karl Lagerfeld còn lựa chọn Kendall Jenner là gương mặt đại diện cho chiến dịch quảng bá Xuân Hè 2015 của thương hiệu riêng.
3. Chính trị và ngành thời trang cao cấp toàn cầu
Chưa bao giờ chính trị và ngành thời trang cao cấp lại có mối quan hệ “mật thiết” như trong năm vừa qua. Bất ổn chính trị ở Hồng Kông, chính sách mới của Trung Quốc nhằm kiểm soát nạn tham nhũng và chi tiêu công hay việc người dân Scotland nói không với độc lập ít nhiều có những ảnh hưởng nhất định tới ngành thời trang cao cấp toàn cầu. Xét về khía cạnh doanh thu, những sự kiện trên ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của các nhà mốt.
Xét về khía cạnh thiết kế, trào lưu thể hiện tiếng nói, quan điểm cũng được nhiều nhà mốt diễn giải trong nhiều bộ sưu tập. Tiêu biểu nhất là thông điệp mạch lạc về sức mạnh nữ quyền được Karl Lagerfeld thể hiện qua bộ sưu tập Chanel Xuân Hè 2015. Khi những hình ảnh của bộ sưu tập xuất hiện trên mạng xã hội, chúng ngay lập tức tạo nên một hiệu ứng ngoài mong đợi.
4. #Debut
Thuận ngữ “Debut” vừa để chỉ việc lần đầu ra mắt, vừa có nghĩa là sự trở lại sau một thời gian dài vắng bóng. Năm vừa qua, đây là “từ khóa” được nhắc đến nhiều nhất khi hàng loạt những nhà thiết kế danh tiếng “tái xuất” sàn diễn: Giám đốc Sáng tạo của Burberry Christopher Bailey ra mắt bộ sưu tập Nam Xuân Hè 2015 dưới cương vị mới Tổng Giám đốc; nhà thiết kế Nicolas Ghesquière trình làng bộ sưu tập đầu tay dưới cương vị Giám đốc Sáng tạo tại Louis Vuitton; nhà thiết kế J.W. Anderson được bổ nhiệm là Giám đốc Sáng tạo mới của Loewe; hay nhà thiết kế Johnny Coca chính thức trở thành Giám đốc Sáng tạo mới của Mulbery.
Năm 2014 cũng đánh dấu sự quay trở lại của nhà thiết kế John Galliano sau một thời gian dài vắng bóng. John Galliano trở thành Giám đốc Sáng tạo mới của Maison Martin Margiela. Bộ sưu tập đầu tay của John Galliano vừa được trình diễn tại Tuần lễ Thời trang London Collections: Men vừa qua.
5. Xu hướng “Cá nhân hóa” thời trang lên ngôi
Thời kỳ định hướng phong cách thời trang của các tạp chí, các biên tập viên thời trang và những nhà mốt danh tiếng, hay các ngôi sao dường như đã kết thúc. Ngày nay, giới mộ điệu muốn được thể hiện phong cách thời trang của riêng bản thân chứ không đơn thuần nghe, đọc và chờ được hướng dẫn cách phối đồ. Họ đến với mạng xã hội Instagram để cập nhật và lấy cảm hứng phối kết hợp trang phục thay vì đọc những hướng dẫn tẻ nhạt. Xu hướng “Normcore” (phong cách phối đồ xuềnh xoàng, tùy hứng) là một ví dụ điển hình. Nó đã gây bão suốt năm vừa qua.
Khuynh hướng Normcore đề cao sự phóng khoáng qua cách kết hợp trang phục và phụ kiện bất quy tắc với những điểm nhấn theo ý muốn cá nhân. Đây cũng là xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều khuynh hướng khác trong mùa mốt tới đây.
Bài: Thanhhuysing
Ảnh: Hãng cung cấp, ImaxTree.com