LuxeVN – Thị trường xa xỉ chưa bao giờ nguội lạnh. Nhưng thực tế là một trào lưu “chống xa xỉ” (anti-luxury) đang phát triển rất mạnh khiến các nhà phân tích và chính các thương hiệu cũng phải nhìn nhận lại những vấn đề nội tại đang phát sinh của thị trường này.

Xuất hiện tại LHP Cannes hồi tháng 5 vừa qua, rapper người Mỹ Kanye West đã có những phát ngôn được coi như lời tuyên chiến với hàng hiệu: “Mục tiêu trong phong cách của tôi là thay đổi ý nghĩa của sự xa xỉ. Chỉ có thời gian là điều xa xỉ duy nhất trong cuộc sống. Vì thế giá trị và phong cách của chúng ta không thể được định nghĩa qua các thương hiệu ta sử dụng hàng ngày.”

Kanye-West-with-Louis-Vuitton-handbag-494x390 (1)

Mặc dù vẫn dùng hàng hiệu nhưng Kanye West lại là người lên tiếng thẳng thừng nhất của trào lưu “chống xa xỉ”

Mới đây trong một cuộc phỏng vấn tại London, Kanye West lại tiếp tục “gây sự” với các thương hiệu lớn. Mở đầu, anh nói về một vấn đề liên quan tới chuyên môn của mình, làm nhạc bằng phần mềm máy tính (auto-tune): “Việc các nhạc sĩ hiện nay lạm dụng auto-tune tương tự như việc họ cướp đi một phần của bạn rồi bán lại cho bạn thứ họ đã lấy. Họ không mang đến cho bạn những trải nghiệm đầy đủ và rõ ràng nhất, những cảm giác mà bạn xứng đáng được hưởng.” Đây chỉ là phát súng đầu tiên cho 15 phút phê phán của Kayne với những thương hiệu như Nike, Gucci… giới truyền thông và tiếp thị, những người mà anh thẳng thừng nói rằng “đã tiếp tay cho sự tiêu thụ những món đồ xa xỉ”.

Thực ra mà nói, với một nhân vật vốn nổi tiếng “sớm nắng chiều mưa” trong đời tư và sự nghiệp như Kanye West thì cũng khó mà nói được chính xác anh có thực sự quay lưng lại với đồ xa xỉ, hay có thể đây chỉ là một chương mới trong mối quan hệ yêu-ghét của rapper người Mỹ này đối với ngành công nghiệp đồ xa xỉ, nơi anh vốn không thực sự được đón nhận. Tuy nhiên, sau những phát ngôn mạnh mẽ của Kanye, thương hiệu thời trang DW Kanye West của anh vẫn bán một chiếc áo thun màu trắng không hoạ tiết với giá 90 đôla (khoảng 1,8 triệu đồng).

J

Nhà thiết kế nổi tiếng Jasper Morrison cho rằng sự tin tưởng quá mức vào hai chữ “xa xỉ” là một sai lầm lớn của phần đông người tiêu dùng

Nếu chỉ một mình Kanye West, chưa thể nói là một trào lưu. Nhân vật thứ hai cũng được nhắc đến nhiều trong phong trào “chống xa xỉ” là nhà thiết kế công nghiệp nổi tiếng người Anh Jasper Morrison. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, ông nói: “Mọi người thường xuyên mắc một lỗi là quá tin vào sự xa xỉ. Sự xa xỉ ở đây chỉ là lí do để tạo ra các sản phẩm không bình thường, các sản phẩm được làm rất tồi nhưng lại được bán với giá quá cao. Chúng có thể là dịch vụ khách sạn, căn hộ, hay một chiếc túi xách.”

Không chỉ giới tiên phong trong thời trang, âm nhạc đã bắt đầu chán ngấy với việc phải trả 500 đôla cho một sản phẩm nào đó mà kể cả các khách hàng quen thuộc của đồ xa xỉ đã bắt đầu từ bỏ việc mua sắm các sản phẩm này. Từ 11% trong năm 2010, các báo cáo cho thấy sự tăng trưởng của ngành xa xỉ đã giảm xuống chỉ còn 7%. Một trong những lý do của sự sụt giảm này là khách hàng đã bắt đầu đặt ra vấn đề về số tiền quá cao mà họ phải bỏ ra cho những sản phẩm không tương xứng.

Từ sau khủng hoảng tài chính, giá các mặt hàng xa xỉ đang có xu hướng tăng trở lại. Giá cả trung bình của thị trường này tăng 13% trong năm 2013, dù cho chỉ số giá người tiêu dùng chỉ tăng 1,5%. Một chiếc túi của hãng Chanel hiện nay có giá 4.900 đô la (khoảng 100 triệu đồng), tăng 70% so với cách đây 5 năm.

Dù cho phân khúc thu nhập trung bình và các công ty bán lẻ giá thấp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, các trung tâm bán lẻ đồ cao cấp như Saks Fifth Avenue vẫn thu về lợi nhuận cao bởi lượng khách hàng thượng lưu của họ đang trở về tình trạng ổn định. Thậm chí đang diễn ra một cuộc đua tăng giá của các thương hiệu cao cấp như một phương pháp cạnh tranh, tạo khoảng cách giữa các thương hiệu với nhau.

Photo illustration of one hundred dollar notes in Seoul

Những khảo sát thị trường gần đây đang đặt ra vấn đề chất lượng hàng xa xỉ có đang tỉ lệ nghịch với giá bán của chúng?

Tuy nhiên, phía sau những con số tăng trưởng ở trên, trào lưu “chống xa xỉ” không phải không có những cơ sở thực tế. Mới đây, 2 công ty uy tín là Yougov và Time Inc. đã thực hiện cuộc khảo sát thị trường xa xỉ và vấn đề giảm sút chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ cao cấp đã được nhắc đến.

Trong cuộc khảo sát của hai công ty này, những người tiêu dùng giàu nhất tại Mỹ đã được hỏi về cảm nhận của họ với các sản phẩm cao cấp. Kết quả là 78% người được hỏi nói rằng họ không hứng thú với đồ xa xỉ. 71% nói rằng các sản phẩm được quảng cáo là sang trọng và xa xỉ không đạt được đúng những gì thương hiệu cam kết. Điều này cho thấy các sản phẩm cao cấp đang có xu hướng đi xuống về chất lượng và niềm tin của người tiêu dùng cũng đang giảm sút đáng kể.

beats

Mặc dù là một biểu tượng thời trang, nhưng tai nghe Beats cũng bị coi là một sản phẩm có giá bán quá cao so với giá trị thực sự của nó

Như vậy, quan điểm cho rằng nhiều sản phẩm cao cấp không xứng đáng với cái giá mà các hãng đưa ra không phải không có lý. Một trang mạng mang tên Wirecutter chuyên đánh giá các sản phẩm công nghệ tồi nhất đã đăng một bài viết khuyến cáo người sử dụng không nên mua các sản phẩm của Beats, một hãng tai nghe cao cấp thường được quảng cáo bởi các siêu sao như Jay Z hay Dr. Dre.

Lauren Dragan, người đã viết bài báo trên Wirecutter cho biết: “Khi Beats trở thành một mặt hàng xa xỉ, họ liên tục tăng giá các sản phẩm. Điều này thật khó chấp nhận. Mặc dù chúng ta có thể vui vẻ chi trả cho một sản phẩm xa xỉ ở mức giá cao, nhưng chúng ta không nên chấp nhận chi tiền chỉ vì cái mác gắn trên sản phẩm.”

Có vẻ như cuộc chiến mới chỉ bắt đầu…

Hưng Nguyễn