LuxeVN – Tập đoàn xa xỉ lớn thứ hai thế giới đến từ Thụy Sĩ mới đây công bố báo cáo tài chính. Theo đó, mức bán các mặt hàng xa xỉ tại Trung Quốc đang có xu hướng giảm.
Richemont sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Cartier, Montblanc, Chloe, Van Cleef & Arpels… Theo báo cáo của tập đoàn, mức tăng trưởng doanh số bán sản phẩm trong 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 9) đạt 9%, ít hơn 1% so với mức dự đoán ban đầu.
Theo nhiều chuyên gia, chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp kiểm soát tình trạng hối lộ trong các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến nhu cầu với các mặt hàng xa xỉ của người dân Trung Quốc có xu hướng giảm. Tuy nhiên, theo ngài Johann Rupert, chủ tịch tập đoàn Richemont, mức tăng trưởng sản phẩm tiêu thụ tại Hồng Kông và Macau đã bù trừ cho sự sụt giảm này tại Đại Lục.
Trong số các sản phẩm xa xỉ được ưa chuộng tại Trung Quốc, đồng hồ và trang sức là hai mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Trong khi đó, tại Mỹ, châu Âu và Trung Đông, Richemont cho biết, doanh số bán trang sức của tất cả các thương hiệu vẫn được đẩy mạnh nhờ vào số lượng khách du lịch tại các điểm tham quan. Richemont cũng thừa nhận, mức tăng trưởng doanh thu bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của đồng đô la Mỹ và yên Nhật so với euro.
Trong khi đó, trang web về thời trang của Richemont là Net-A-Porter lại đạt mức tăng trưởng doanh thu đến hai con số. Công ty đang tiến tới xuất bản một tạp chí mang tên Porter dựa trên hiệu quả của trang web được Richemont mua lại từ năm 2010 này.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc được nhiều thương hiệu xa xỉ đến từ châu Âu đánh giá là thị trường tiềm năng. Không ít người đã dự đoán Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ và Nhật Bản để trở thành thị trường tiêu dùng hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Có nhiều nguyên nhân khiến các mặt hàng xa xỉ được người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt săn đón.
Những thay đổi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây đã góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân các vùng đô thị nước này. Xuất hiện ngày càng nhiều các đại gia, triệu phú và tỷ phú. Điều kiện kinh tế tăng dẫn đến nhu cầu cho những sản phẩm cao cấp tăng theo.
Thêm vào đó là những quan niệm về giá trị của sự giàu có, hiện đại và thành công. Người châu Á nói chung và người Trung Quốc nói riêng muốn sử dụng hàng hiệu như một cách để khẳng định địa vị xã hội của mình. Pierre Xiao Lu, giáo sư nghiên cứu về thị trường cao cấp tại Đại học Fudan, Thượng Hải nhận định: “Mặt bằng chung của xã hội đang dần mở ra theo hướng phân tầng. Mọi người khao khát trở nên nổi trội hơn so với người xung quanh nhờ sự giàu có, hiện đại và thành công theo phong cách phương Tây.”
Viện nghiên cứu Hurun củaTrung Quốc đã thực hiện cuộc khảo sát người tiêu dùng cao cấp tại đất nước này. Báo cáo năm 2013 cho thấy nhu cầu cao về hàng hiệu của tầng lớp thượng lưu Trung Quốc, đặc biệt là các thương hiệu của Pháp như Chanel, Louis Vuitton, Cartier… James Roy, chuyên viên phân tích cấp cao thuộc nhóm nghiên cứu thị trường Trung Quốc phát biểu: “Vẻ hào nhoáng, tinh tế và đẳng cấp vượt trội mà những thương hiệu như Louis Vuitton hay Chanel mang lại là sức hấp dẫn mạnh mẽ với nhiều người Trung Quốc, cả người giàu có hay người đang khao khát trở nên giàu có.”
Bên cạnh nhu cầu và sở thích dùng hàng hiệu của người Trung Quốc, các thương hiệu xa xỉ đổ bộ vào thị trường tiềm năng này cũng được hưởng lợi từ những quy định hạn chế và chính sách ít can thiệp của chính phủ Trung Quốc.
Bất chấp một vài sự suy giảm nhẹ trong doanh số bán của một vài mặt hàng như đồng hồ hay trang sức, Trung Quốc vẫn là thị trường đầy hứa hẹn cho các thương hiệu nổi tiếng châu Âu. Người dân Trung Quốc có điều kiện kinh tế, họ muốn sở hữu hàng hiệu không chỉ để phô trương bản thân mà còn cho mục đích biếu tặng. Có lẽ vì những lí do trên nên việc đầu tư lâu dài vào thị trường đông dân nhất thế giới này vẫn được các hãng xa xỉ chú trọng, thể hiện qua việc một loạt cửa hiệu sang trọng mới được khai trương gần đây.
Thu Hằng – LuxeVN