LuxeVN – Fifth Avenue là đại lộ nổi tiếng tại trung tâm quận Manhattan, thành phố New York, nơi tập trung nhiều cửa hàng sang trọng của các thương hiệu xa xỉ nhất thế giới. Không thua kém Mỹ, Trung Quốc giờ đây cũng có “Đại lộ thứ 5”, tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô.
Trên con phố thương mại nằm gần trạm xe lửa Đông Giang Tô, người đi đường dễ dàng bắt gặp các bảng hiệu, thoạt nhìn tưởng rằng của các thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, không khó để nhận ra, những cái tên quen thuộc này đã bị biến đổi một cách khá kỳ quặc: Zara thành Zare, Apple thành Appla, H&M chuyển thành H&N và Hugo Bgss thay cho Hugo Boss. Thậm chí, thương hiệu chuỗi cửa hàng cà phê hàng đầu thế giới Starbucks cũng bị chuyển thành cái tên không biết nên phát âm thế nào cho đúng – “Sffcccks”.
Không chỉ có các nhãn hiệu quốc tế bị “nhái tên”, ngay cả Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cũng được tạo một phiên bản sinh đôi: chỉ một ký tự trong tên gốc bị thay thế, khiến cho cái tên mới hoàn toàn vô nghĩa.
Tất cả bảng hiệu nói trên đều được trình bày với kích thước, kiểu chữ và màu sắc giống với nhãn hiệu thật, dễ gây lầm tưởng nếu nhìn từ xa hoặc không chú ý kỹ. Ngay khi dãy phố này được mọi người biết tới, cư dân mạng Trung Quốc đã nhanh chóng có những phản hồi, phần lớn bày tỏ thái độ không đồng tình. Họ gọi đây là “phố shanzai”, nghĩa là “phố bắt chước” hay “phố giả mạo”. Một độc giả bức xúc bình luận trên một trang báo điện tử Trung Quốc: “Tại sao người ta có thể tự hào mà phô trương những bảng hiệu như vậy? Họ hoàn toàn coi thường vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.”
Các báo địa phương khẳng định, mặc dù các bảng tên được trưng bày như vậy, nhưng không có cửa hàng thực sự nào kinh doanh dưới thương hiệu đó. Tất cả cửa hiệu đang được để ngỏ cho các khách hàng và chủ cửa hàng có nhu cầu mua lại. Đại diện bất động sản của khu phố cho biết, những bảng hiệu trên chỉ như những “hình ảnh quảng cáo bước đầu để tạo dựng một không gian thương mại, nhằm mục đích thu hút các khách hàng tiềm năng”.
Tuy vậy, đây lại là một vấn đề mang tính pháp lý. Một luật sư Trung Quốc đã chia sẻ quan điểm của mình. Theo đó, việc đặt bảng tên như trên bị coi là hành vi thông tin sai, và những người có trách nhiệm trong vấn đề này cần phải dừng ngay hành vi vi phạm đó.
Bất chấp nhiều cảnh báo cũng như phản ứng bất bình từ dư luận, vi phạm bản quyền dường như là “chuyện thường tình” tại Trung Quốc. Hàng loạt cửa hàng và sản phẩm tại đây vô tư bắt chước logo và thiết kế của nhiều thương hiệu quốc tế. Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến, đến mức nhắc đến quốc gia này, nhiều người ngán ngẩm nghĩ tới một đất nước “làm giàu từ hàng nhái”.
Dãy phố “Đại lộ thứ 5 nhái” tại thành phố Vô Tích đang trở thành đề tài bàn tán của chính người dân Trung Quốc về sự lố bịch của nó. Tuy vậy, đây không phải ví dụ hiếm hoi về tình trạng vi phạm bản quyền tại Trung Quốc.
Trở lại thời gian trước, vào năm 2006, một công ty Trung Quốc sở hữu chuỗi cửa hàng cà phê mang tên Xingbake đã thua trong vụ kiện về bản quyền thương hiệu với công ty Starbuck của Mỹ.
Logo “mượn ý tưởng” từ Starbucks của Xingbake
Xingbake là tên dịch sang tiếng Trung của Starbuck, và công ty này đã nhái không chỉ tên mà cả logo hình tròn màu xanh nổi tiếng của hãng. Vụ việc Xingbake được coi là vụ giả mạo tai tiếng nhất thế giới.
Các quán cà phê “na ná” Starbucks xuất hiện tại nhiều nơi ở Trung Quốc
Các thương hiệu lớn của Mỹ thường xuyên là nạn nhân trong các vụ giả mạo của Trung Quốc, phổ biến nhất là Nike, Pizza Hut, McDonald’s, KFC, Starbucks, thậm chí cả Disneyland và cửa hàng của Disney.
Hàng loạt cửa hàng ăn nhanh với biển hiệu màu đỏ quen thuộc của KFC, và logo đã được “chỉnh sửa” ít nhiều.
Obama Fried Chicken (?)
Các “phiên bản chị em” của McDonald’s cũng không hề hiếm.
Tại Côn Minh, xuất hiện cửa hàng Apple giả, tinh vi và khéo léo đến mức nhiều người phải tin đó là chi nhánh thật của Apple. Cửa hàng bài trí các sản phẩm “có vẻ” của Apple. Nội thất bên trong cũng có cầu thang xoắn và khu vực ngồi phía trên tầng đặc trưng của Apple.
Các nhân viên cũng mặc áo phông xanh và đeo thẻ tên. Tuy nhiên, những tấm thẻ này không có tên của họ, chỉ có biểu tượng quả táo và một chữ “Staff” mập mờ. Thiết kế của cửa hàng cũng được thực hiện không cẩn thận như sơn tường hay cầu thang được làm cẩu thả. Bên cạnh đó, các cửa hàng chính hãng Apple không viết hẳn dòng chữ “Apple Store” trên bảng hiệu, mà chỉ đơn giản có biểu tượng quả táo cắn dở.
Tìm trên trang web của Apple, không thấy nhắc đến một chi nhánh nào tại Côn Minh. Điều đặc biệt là ngay cả các nhân viên cũng không biết rằng đây là một cửa hàng giả. Họ đều nghĩ rằng mình thực sự làm việc cho công ty danh tiếng của Mỹ.
Giả mạo để tạo sự chú ý, thu hút khách hàng đang trở thành xu hướng ngày càng lan rộng tại nhiều thành phố của Trung Quốc. Các chuỗi cửa hàng, tên thương hiệu bị nhái lại một cách trắng trợn gây ảnh hưởng đến uy tín của các công ty nạn nhân. Bên cạnh đó, đối với nhiều người, những bảng hiệu, biểu trưng nổi tiếng bị bắt chước và sửa đổi, biến tấu một cách kỳ quặc, là điều chướng mắt và khó chấp nhận. Không chỉ vậy, nếu không để ý, khách hàng có thể lầm tưởng đó là các cửa hiệu chính hãng và khi sử dụng dịch vụ hay sản phẩm không đạt chất lượng chuẩn xác, sẽ có cảm giác mình bị lừa. Tuy nhiên, do sự lỏng lẻo trong pháp luật về sở hữu trí tuệ, những cửa hàng nhái xấu xí như vậy vẫn ngang nhiên hoạt động và khó có thể bị đóng cửa.