Logo
Tên
Zara
Cách đọc
Theo tiếng Tây Ban Nha:[ˈθaɾa]
Theo tiếng Anh: /’zɑrə/
Chủ sở hữu
Inditex Group
Ngành hàng
Thời trang bán lẻ
Năm thành lập
Ngày 24/05/1974 tại Arteixo, Tây Ban Nha
Người sáng lập
Amancio Ortega
Rosalía Mera (1944-2013)
Tổng giám đốc
Óscar Pérez Marcote
Trụ sở chính
Edificio Inditex
Avenida de la Diputación s/n
15142 Arteixo, A Coruña, Spain
www.zara.com
Đôi nét về Zara
Zara – thương hiệu thời trang và phụ kiện bán lẻ hàng đầu Tây Ban Nha, có trụ sở ở Arteixo, Galicia, được thành lập bởi Amancio Ortega và Rosalia Mera. Chuỗi của hàng bán lẻ Zara là con bài chủ lực của tập đoàn Inditex, tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới này đồng sở hữu cả những thương hiệu như Zara Home (nội thất), Massimo Dutti, Pull and Bear, Uterqüe, Stradivarius và Bershka.
Amancio Ortega (ảnh trên) và Rosalia Mera (ảnh dưới) | Ảnh: Getty Images
Có một giai thoại về Zara rằng hãng chỉ cần hai tuần để phát triển sản phẩm mới và đưa ra bán ngoài cửa hàng, so với trung bình sáu tháng của ngành công nghiệp thời trang. Zara ra mắt trung bình 10.000 mẫu thiết kế mới mỗi năm. Zara được cho là đi ngược lại xu hướng của ngành công nghiệp thời trang thế giới do chủ trương thời trang kiểu “mì ăn liền” dành cho các thị trường giá rẻ của hãng. Có lẽ chiến lược kì lạ nhất của thương hiệu này chính là chính sách không cần quảng cáo, thay vào đó công ty chú trọng tái đầu tư doanh thu vào việc mở nhiều cửa hàng mới. Chính vì thế mà Zara dần được coi như là một cỗ máy photocopy bình dân, trái ngược hoàn toàn với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Uniqlo và United Colors of Benetton.
Zara được Phó giám đốc Điều hành Tập đoàn LMVH (Louis Vuitton Givenchy, Marc Jacobs…), Daniel Piette, miêu tả: “Đây có lẽ là thương hiệu bán lẻ sáng tạo và hùng mạnh nhất thế giới”. Zara cũng được CNN cho là câu chuyện thành công điển hình của xứ sở bò tót.
Lịch sử thương hiệu
Năm 1975, Amancio Ortega mở cửa hàng Zara đầu tiên ở trung tâm khu phố thương mại A Coruña, Galicia, Tây Ban Nha. Ông đặt tên cửa hàng là Zorba sau khi xem bộ phim kinh điển “Zorba The Greek”, nhưng vào thời điểm đó, cũng có một quán bar cùng tên cách đấy hai dãy nhà. Chủ quán bar nói rằng “Điều này sẽ gây lẫn lộn nếu có hai cái tên Zorba”. Do đã làm sẵn khuôn chữ cái cho bảng tên, Ortega đã cho sắp xếp lại các chữ cái và cái tên “Zara” ra đời. Cửa hàng đầu tiên trưng bày các sản phẩm giá rẻ với thiết kế gần giống như các loại quần áo thời trang chất lượng cao.
Kinh doanh thành công, Ortega bắt đầu mở thêm nhiều cửa hàng Zara khác trên khắp Tây Ban Nha. Trong suốt những năm 1980, Ortega bắt đầu thay đổi quy trình thiết kế, sản xuất và phân phối nhằm làm giảm thời gian và giúp Zara phản ứng với các xu hướng mới một cách nhanh hơn. Chiến lược này được ông gọi là “thời trang ăn liền”. Zara đã phát triển dựa trên việc sử dụng công nghệ thông tin và một nhóm các nhà thiết kế thay vì những cá nhân.
Năm 1980, công ty bắt đầu mở rộng ra thị trường quốc tế ở Porto, Bồ Đào Nha. Zara thâm nhập Mỹ năm 1989 và Pháp năm 1990. Kinh doanh ở các thị trường hải ngoại tiếp tục được mở rộng trong suốt những năm 1990, với Mêhicô (1992), Hy Lạp (1994), Bỉ và Thụy Điển (1994),… Đến nay đế chế Zara có mặt tại hơn 73 nước trên thế giới với hơn 1.700 cửa hiệu.
Các cửa hàng Zara được sở hữu trực tiếp bởi công ty mẹ, trừ những nơi luật pháp địa phương không cho phép nước ngoài kinh doanh. Khi đó, Zara áp dụng hình thức kinh doanh nhượng quyền.
“Đây có lẽ là thương hiệu bán lẻ sáng tạo và hùng mạnh nhất thế giới” – Daniel Piette, CEO của Quỹ đầu tư L Management SAS, nói về Zara.
Bí quyết thành công
Không như các doanh nghiệp bán lẻ thời trang tương tự, Zara kiểm soát phần lớn quy trình của chuỗi cung ứng, từ thiết kế, sản xuất đến phân phối sản phẩm. Năm 1980, Zara xây dựng một nhà máy riêng ở La Coruña (thành phố nổi tiếng với ngành công nghiệp dệt). Quy trình sản xuất của hãng là quy trình “milk-run” đảo ngược. Quy trình sản xuất kinh doanh này thực ra do hãng ô tô Nhật Toyota đưa ra đầu tiên với tên gọi “Just-in-time” – JIT, cho phép doanh nghiệp thiết lập một mô hình kinh doanh độc lập trên mọi giai đoạn nguyên liệu, sản xuất, hoàn thành sản phẩm và phân phối đến các cửa hàng trên khắp thế giới chỉ trong vài ngày.
Tạp chí Businessworld từng miêu tả Zara là “cỗ máy photocopy” của ngành công nghiệp thời trang, thay vì đẩy mạnh dự đoán xu hướng mốt các mùa thông qua các show diễn và các phương tiện truyền thông, điều mà ngành công nghiệp thời trang truyền thống thường làm, Zara lại tập trung vào những sản phẩm thời trang mà khách hàng muốn có để sản xuất ra và mang đến cho họ.
Một số hình ảnh Lookbook của Zara mùa Thu Đông 2013:
Zara có thể cung cấp nhiều sản phẩm hơn so với đối thủ một lượng đáng kể. Hãng sản xuất khoảng 11.000 sản phẩm mỗi năm, trong khi đó, con số này của các đối thủ cạnh tranh chính là 2.000 đến 4.000 sản phẩm. Công ty có thể thiết kế một sản phẩm mới và bày bán ở cửa hàng chỉ trong vòng bốn đến năm tuần và chỉnh sửa những mẫu trang phục có sẵn chỉ trong hai tuần. Rút ngắn chu trình sản xuất đồng nghĩa với việc thành công hơn trong việc dành được sự ưa thích của khách hàng. Một thiết kế không bán chạy trong vòng một tuần sẽ bị thu hồi khỏi cửa hàng, các đơn đặt hàng bị hủy bỏ và một thiết kế mới sẽ được đội ngũ “săn mốt” thiện nghệ tìm kiếm.
Thành công của Zara phụ thuộc lớn vào hệ thống công nghệ thông tin. Ví dụ như các thiết bị PDA có khả năng kết nối không dây dành cho những người quản lý cửa hàng để họ giám sát xu hướng thay đổi thời trang liên tục của khách. Zara có đủ các loại mẫu thiết kế từ cơ bản đến cấp tiến được bày bán trên kệ trong chưa đầy bốn tuần, điều này khuyến khích các khách hàng ruột của Zara ghé chân thường xuyên. Một boutique của các hãng khác nằm trong khu thương mại ở Tây Ban Nha thường được khách hàng đến thăm ba lần một năm, con số đó với Zara là 17 lần một năm!
Các “lò” sản xuất chính của Zara
50% lượng quần áo Zara được sản xuất tại Tây Ban Nha, 26% ở các nước còn lại ở Châu Âu, 24% ở các quốc gia Châu Á, Châu Phi và phần còn lại của thế giới. Trong khi các đối thủ gia công gần như tất cả sản phẩm tại Châu Á, Zara sản xuất các sản phẩm thời trang nhất của hãng (chiếm 50% sản lượng hàng hóa của công ty) trong hàng tá các nhà máy riêng tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (đặc biệt là tại Galicia và phía Bắc Bồ Đào Nha, nơi nhân công rẻ hơn một chút so với Tây Âu). Các mặt hàng có “tuổi mốt” thọ lâu hơn như áo phông được gia công tại các nhà máy ở Châu Á và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 6 tháng 9 năm 2010, Finacial Times thông báo Inditex khai trương dịch vụ bán quần áo qua mạng đầu tiên cho Zara, thương hiệu bán chạy nhất của tập đoàn. Dịch vụ bắt đầu triển khai ở Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha, Ý, Đức và Pháp – 6 quốc gia quan trọng nhất trong tổng số 76 thị trường của hãng. Khi được hỏi lý do xuất hiện muộn của dịch vụ bán lẻ qua mạng, Pablo Isla, Giám đốc điều hành của hãng, nói rằng họ muốn chờ đợi khách hàng thực sự yêu cầu dịch vụ này rồi mới cung cấp nó.
Tất cả sản phẩm bày bán ở các cửa hàng Zara đều có thể được đặt mua online với mức giá bằng với hàng bày tại cửa hàng. Khách hàng có thể lựa chọn hình thức thanh toán và giao hàng phù hợp. Chính sách giao hàng và thanh toán online của Zara tương tự như với hệ thống cửa hàng, khách hàng có 30 ngày để thay đổi quyết định của họ. Những thắc mắc sẽ được giải quyết bởi tổng đài phục vụ khách hàng, email hay tin nhắn chat. Inditex thông báo sẽ sớm giới thiệu những ứng dụng mua hàng Zara trên điện thoại di động.
Ngày 4 tháng 11 năm 2010, Zara Online tiếp tục mở rộng dịch vụ đến năm quốc gia: Áo, Ireland, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg, tiếp đến là Mỹ và Hàn Quốc năm 2011. Trang web thiết kế đơn giản cho phép khách hàng chọn lọc sản phẩm qua các mục: Loại trang phục, màu sắc, kích thước, giá cả… Khách hàng có thể quan sát các sản phẩm một cách tỉ mỉ, từ nhiều góc độ; hay sử dụng tính năng Super Zoom để “soi” chi tiết của mỗi sản phẩm.
Những tranh cãi xung quanh cách quản lý của Zara
Bên cạnh thành công và quy trình sản xuất có nhiều ưu điểm, Zara cũng vướng phải một số cáo buộc về lạm dụng và bóc lột sức lao động của công nhân tại các khu vực sản xuất giá rẻ như Sao Paulo, Brasil (nhà máy Zara ở đây đã bị chính quyền đóng cửa năm 2011). Năm 2012, Zara lại một lần nữa là tâm điểm khi một phóng sự điều tra phanh phui các bằng chứng cho thấy quản lý và trưởng bộ phận ngược đãi, khủng bố nhân viên tại chuỗi cửa hàng Zara Thụy Điển và Châu Âu. Công đoàn đại diện cho nhân viên làm việc cho Zara gọi cách quản lý của công ty là “quản lý bằng nỗi sợ hãi”.
Theo nguồn tin của LuxeVN, Zara đang chuẩn bị các thủ tục cuối cùng để có mặt tại Việt Nam trong năm 2014. Hiện giờ, bạn có cũng đã thể mua các sản phẩm Zara chính hãng tại Premium Outlet, Royal City, Hà Nội.