LuxeVN – Nói đến xe siêu sang có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Rolls-Royce. Từ khi chiếc xe đầu tiên Silver Ghost 1907 lập kỷ lục chạy hơn 23.000 km không nghỉ, thương hiệu xe Anh quốc đã chiếm được trái tim và tâm trí của nhiều người mê xe. Tất cả bí quyết của hãng nằm ở Goodwood.
Nếu như những chiếc xe mang biểu tượng “Spirit of Ecstasy” nổi tiếng trên nắp ca-pô trước đây mang tính bảo thủ trong thiết kế và màu gỗ gụ sậm chỉ hợp với các khách hàng lớn tuổi, thì nay điều đó đã thay đổi.
Thuộc sở hữu của tập đoàn Đức BMW AG từ năm 2002 nhưng vẫn nắm quyền tự trị (chỉ khoảng 10% linh kiện sản xuất là được nhập từ Đức) và giữ trụ sở tại Anh, gần đồi Goodwood nổi tiếng, Rolls-Royce ngày càng hướng đến khách hàng trẻ tuổi với các mô hình thể thao như chiếc Wraith. Tuổi trung bình của khách hàng Rolls-Royce hiện nay là khoảng trên 40 và sự hiện diện của hãng ngày càng tăng ở Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Quản lý cấp cao tự hào cho biết ngoài tầng lớp quý tộc thì các nghệ sĩ hip-hop và những người thừa kế trẻ tuổi cũng lái xe Rolls-Royce.
Danh mục xe hiện nay của Rolls-Royce bao gồm ba dòng Wraith, Ghost và Phantom, tạo nên một “ốc đảo yên tĩnh trong thế giới công nghệ hiện đại” – theo miêu tả của hãng. Chúng ta hãy cùng đến thăm nhà máy của Rolls-Royce ở Goodwood để xem vì sao xưởng này được xem là một trung tâm thật sự của nghề chế tác ô tô thủ công:
Nhà máy được thiết kế để đáp ứng hai yêu cầu. Một: cư dân xung quanh sẽ không phải nhìn thấy nó từ cửa sổ phòng họ, vì vậy xưởng phải có tường cao và ẩn mình giữa cây cối. Hai: cung ứng đầy đủ cho việc tiến hành “bespoke” các chi tiết – đặc thù của xe Rolls-Royce.
Có 1.500 nhân viên làm việc chính thức và khoảng 100 thực tập viên tại đây, hầu hết là người vùng Goodwood nhưng văn hóa đa dạng đến mức, đủ để có đến 30 thứ ngôn ngữ được sử dụng trong công việc thường nhật.
Không có mặt dây chuyền tự động thông thường, xe được di chuyển từ trạm này đến trạm khác bằng các xe đẩy (mất 50 phút di chuyển với Ghost/Wraith và hai giờ với Phantom). Khi Rolls-Royce nói rằng xe của hãng được “chế tác thủ công” thì điều này thực sự mang nghĩa đen. Ví dụ, phải mất 90 phút để lắp thủ công táp lô cho một chiếc Phantom với khoảng 42kg dây dài đến 1,6km; gắn 16 chiếc bu-lông và động cơ V12 hay lắp cánh cửa nặng 50kg cũng của Phantom cùng vô số chi tiết khác…
Riêng những chiếc xe có trần theo mô-típ “bầu trời sao” đòi hỏi nghệ nhân phải đục 1.340 lỗ trên vải và luồn sợi quang học suốt 20 tiếng đồng hồ. Động cơ V12 và hộp số ZF do đối tác sản xuất được nhân viên Goodwood đánh bóng thành “kim cương” với tay nghề lão luyện của họ.
Có hơn 200 nhân viên chuyên để tìm nguồn cung ứng và tạo hình cắt tỉa gỗ. Họ đi công tác 6 tuần 1 lần và sẽ tìm bất kỳ loại gỗ quý nào mà khách hàng yêu cầu, miễn là nó bền.
Trước khi thực hiện các công đoạn trên thì khung gầm (do Đức chế tạo) được đưa vào xưởng sơn. “Xưởng sơn” là tên gọi rất không xứng với một công xưởng dùng tới 30kg sơn cho …một lớp sơn trên thân vỏ Phantom. Không chỉ có vậy, xưởng có tới 44.000 màu để khách hàng lựa chọn. Nếu khách thích màu khác ngoài bảng màu thì Rolls-Royce cũng sẵn sàng đáp ứng.
Đây cũng là nơi có robot duy nhất trong toàn bộ nhà máy vì bàn tay con người không thể quét màu dày và đều như máy. Tuy nhiên, tất cả các đường nét và đề can đều được vẽ tay bởi một họa sĩ bậc thầy.
Cabin của một chiếc Phantom sử dụng da của 11 con bò lớn. Bò được chăn thả ở nơi cao để tránh bị muỗi đốt. Và nếu có đủ tiền, khách hàng của Rolls-Royce có thể chọn bất kỳ chất liệu trang trí nào cho chiếc xe.
Một khách Nhật Bản sinh năm 1958 từng đặt hãng dát lên trần xe chòm sao xuất hiện ở Tokyo vào đêm ông ra đời. Rolls-Royce chế tác chiếc xe theo yêu cầu của mọi khách hàng miễn là hợp pháp.
Với doanh số bán hàng dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 4.000 chiếc trong năm 2014, Goodwood đang chạy hết công suất. Giả sử BMW bất chấp, tự động hóa và Đức hóa quá trình sản xuất Rolls-Royce nhằm tăng sản lượng, chiếc xe sẽ mất hết giá trị di sản lãng mạn vốn có của nó. Rõ ràng, bạn không thể có một chiếc Phantom từ dây chuyền sản xuất những chiếc BMW Series 7.
Minh Khang