LuxeVN – Dù cho sách điện tử (e-book) đang phát triển như vũ bão nhờ sự ‘sinh sôi nảy nở’ của các thiết bị di động cá nhân nhưng sách in vẫn là một tài sản vô giá của nhân loại. Và dù vô giá, việc định giá của một cuốn sách dẫu là thuần thương mại nhưng lại vô cùng cần thiết.

1. Thánh kinh Gutenberg

sach-dat-nhat-gutenberg

“Thánh kinh Gutenberg”, quyển sách in đầu tiên, được ghi nhận là quyển sách đắt nhất thế giới. Johannes Gutenberg (1390-1468), người Đức, là người phát minh ra máy in và phát huy công nghệ in chữ kim loại. Trước đó người Triều Tiên đã tìm ra cách in mẫu trượt (thợ in sử dụng các chữ cái bản kim hoặc bản mộc để in nhiều lần thay vì in cả trang từ một bản kim hay bản gỗ). “Thánh kinh Gutenberg” được in tổng cộng 180 bản, trong đó có 135 trang giấy và 35 trang được in trên da.

Chủ sở hữu sắp xếp số này thành tập và một số trang rời theo nội dung. Một bản hoàn thiện của cuốn sách này (gồm 2 quyển) được các nhà sưu tập cho là cực hiếm. Chỉ mỗi trang của cuốn sách cũng có thể bán được với giá từ 25.000 đến 100.000 USD (khoảng từ hơn 500 triệu đến hơn 2 tỉ đồng). Một cuốn “Thánh kinh Gutenberg” hoàn chỉnh được định giá vào khoảng 25 đến 35 triệu USD (khoảng 532 tỉ đến 745 tỉ đồng).

2. Codex Leicester

sach-dat-nhat-da-vinci

Đắt thứ nhì thế giới có lẽ là cuốn “Codex Leicester”, nếu quý độc giả đã từng theo dõi TV series “Da Vinci’s Demons” sẽ thấy nhân vật Leonardo (1452-1519) luôn tay ghi chép những tính toán, ý tưởng của mình vào một quyển sổ nhỏ, đó chính là phản ảnh của Codex Leicester ngoài đời thực. Tổng hợp những phác thảo “điên rồ” của thiên tài này trong giai đoạn từ năm 1506 đến 1510, Codex Leicester chưa từng được sao chép một lần nào và nội dung được Leonardo ghi theo phong cách viết ngược (mirror writing) đặc trưng. Quyển sách được tỉ phú Bill Gates mua với giá 30,8 triệu USD (khoảng hơn 655 tỉ đồng). Là một người làm từ thiện nổi tiếng, ngài Bill đã vui vẻ cho scan cuốn sách này thành screensaver đi kèm với bộ mở rộng Microsoft Plus! dành cho hệ điều hành Windows 95 để người dùng đặt làm hình nền máy tính.

3. The Gospels of Henry the Lion, Order of Saint Benedict (Cuốn sách Phúc âm của Công tước Henry Sư tử, Mệnh lệnh của Thánh Benedict)

sach-dat-nhat-gospels-of-henry-the-lion

Quyển sách này được Công tước xứ Saxony, Henry the Lion, ủy nhiệm cho đền thờ Đức Mẹ Đồng Trinh Mary tại nhà thờ Brunswick. Chính phủ Đức đã mua quyển sách này tại phiên đấu giá của nhà Sotheby’s London năm 1983 với mức giá 11,7 triệu USD vào thời điểm đó (khoảng 249 triệu đồng). Cuốn sách Phúc âm này gồm 266 trang, 50 trang tranh minh họa, và được coi là kiệt tác bản thảo La Mã của thế kỉ 12.

4. Birds of America (Các loài chim Châu Mĩ) 

sach-dat-nhat-birds-of-america

Nhà đấu giá Chistie’s bán thành công một trong số 119 bản sao của cuốn sách này với giá 8,8 triệu USD (khoảng 187 tỉ đồng) vào năm 2000. Năm 2010, nhà Sotheby’s tại London bán một trong những bản in đầu tiên của Birds of America với giá 11,5 triệu USD (hơn 224 tỉ đồng). Đầu năm 2012, đến lượt nhà Christie’s bán một bản khác của cuốn sách với giá 7,9 triệu USD (khoảng 168 tỉ đồng).

Tác giả của Birds of America là nhà điểu cầm học người Mĩ gốc Pháp, James Audubon (1785-1851). Cuốn sách viết về hơn 400 loài chim Bắc Mĩ này được đánh giá là kiệt tác mọi thời đại của ngành điểu học. Đích thân Audubon đã vẽ minh họa cho sách của mình.

5. The Canterbury Tales 

sach-dat-nhat-chaucer

Cuốn sách gồm các câu chuyện được kể bằng văn xuôi và cả thơ của Geoffrey Chaucer (1343-1400). “The Canterbury Tales” được viết vào cuối thế kỷ 14 và in vào đầu thế kỷ 15. Năm 1998, nhà đấu giá Christie’s London đã bán một cuốn trong số những bản in đầu tiên năm 1477 với giá 7,5 triệu USD (tương đương 159 tỉ đồng). Đến nay chỉ có 12 bản in còn lại của cuốn “The Canterbury Tales” được biết còn tồn tại.

Cũng cần lưu ý rằng, “The Canterbury Tales” của ông tổ văn học Anh Geoffrey Chaucer đã được Bá tước William Fitzwilliam Đệ Tứ mua lần đầu với giá chỉ 6 Bảng Anh (khoảng 200 ngàn đồng) cũng trong một phiên đấu giá của nhà Christie’s năm 1776. Thật là những con số biết nói phải không?

Vậy hãy trân quý những cuốn sách trên kệ tủ của bạn, vì cách này hay cách khác, chúng đều đang làm giàu cho chủ nhân đấy.

Xuân Đáo