LuxeVN – Những động thái thay đổi mạnh mẽ của Hedi Slimane, sau khi nhận vị trí Giám đốc sáng tạo của Yves Saint Laurent (YSL) khiến giới chuyên môn đặt câu hỏi: nhà thiết kế của Dior Homme sẽ “đốt đền” thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới hay đang thực hiện một cuộc cách mạng cần thiết cho YSL?

Hedi Slimane đã chuyển toàn bộ studio thiết kế từ Paris sang Los Angeles, chính thức bỏ từ “Yves” khỏi tên thương hiệu và thay đổi hoàn toàn phong cách thiết kế, khác hẳn với tinh thần YSL truyền thống.

Nhiều ý kiến cho rằng Hedi Slimane đang “phá hoại” một thương hiệu lâu năm hơn là có những hành động cải tổ YSL. Nhưng đa số giới phân tích lại cho rằng Hedi đang làm những việc mà nếu ở vào vị trí của anh, Yves Saint Laurent huyền thoại cũng sẽ làm như vậy.

18SLIMANE-superJumbo-v2

Nhà thiết kế Hedi Slimane – Giám đốc Sáng tạo của Saint Laurent

Mấy năm gần đây, YSL đã thu về khoản doanh thu khá lớn từ nước hoa và mỹ phẩm. Nhưng chính Yves Saint Laurent vào năm 2004, sau khi tuyên bố nghỉ hưu vì “ghê tởm ngành công nghiệp mà giá trị thương mại đang lấn át tinh thần nghệ thuật”, đã trả lời báo giới rằng ông không dính dáng gì tới những chiếc dịch quảng bá nước hoa của hãng.

Ai cũng biết Catherine Deneuve là nguồn cảm hứng lâu năm của Yves Saint Laurent. Nhưng sự trung thành hơi quá mức của thương hiệu với nữ diễn viên này khiến nhiều người cho rằng chính Saint Laurent cũng sẽ không đồng tình. Có thể ông sẽ chọn một nghệ sĩ đường phố 16 tuổi cho một số chiến dịch quảng bá của hãng hơn là Catherine.

Một vấn đề khác cũng được nhiều người nói tới. Đó là trường hợp của Stefano Pilati, người tiền nhiệm của Hedi Slimane. Stefano trình làng những bộ sưu tập mang đậm hơi hướng của YSL thập niên 1960. Điều đó tưởng chừng sẽ khiến ông lấy lòng được mọi người, nhưng thực tế là ngược lại.

Đầu tiên là Pierre Berge, người tình đồng giới của Yves Saint Laurent và là nhà đồng sáng lập của hãng thời trang, chỉ trích Pilati quá bảo thủ và cũ kỹ. Nhưng nặng nề hơn là nhận định của Anna Wintour, Tổng biên tập tạp chí Vogue. Bà thẳng thừng chê những thiết kế của Pilati tại YSL là mờ nhạt, tầm thường và thiếu đi giá trị cốt lõi của thương hiệu, chính là sự sáng tạo.

Cuối cùng là Pilati đã ra đi để Slimane tới.

Saint-Laurent-Fall-2014

BST Thu đông năm 2014 của Saint Laurent

Nhưng khác với trường hợp của nhà thiết kế người Ý, lần này Pierre Berge gần như không lên tiếng với bất cứ hành động gây tranh cãi nào của Slimane. Có vẻ như ông chỉ ngồi đó và chờ đợi những kết quả bất ngờ từ mỗi quyết định của Slimane. Thậm chí, khi Slimane từ chối bắt tay với Tetu, tạp chí gay lớn nhất châu Âu và được điều hành bởi chính Pierre Berge, ông cũng không hề “khó chịu” mà ngược lại còn nhận xét rằng Slimane chọn tạp chí Dazed làm đối tác là hoàn toàn đúng đắn vì đây là tờ tạp chí có khả năng tạo ra xu hướng.

HK_CWB_Time_Square_mall_shop_YSL_clothing_July-2014_RedMi_Saint_Laurent_name_sign

Hedi Slimane quyết tâm bỏ chữ “Y” trong “YSL” để tạo ra một thương hiệu mới là Saint Laurent

Slimane cũng thay đổi hoàn toàn ý tưởng về trưng bày các cửa hàng của Saint Laurent. Nếu ai quan tâm có thể thăm quan trên trang chủ của hãng, qua những tấm ảnh trừu tượng của những kệ trưng bày tại cửa hàng. Slimane và các cộng sự đang triển khai một chiến dịch quảng bá được tính toán rất chi li mà chưa một công ty nào dám làm.

Chủ tịch tập đoàn Kering, ông Francois Pinault khi nói về vị trí Giám đốc Sáng tạo của Hedi Slimane đã khẳng định nhà thiết kế người Pháp là sự lựa chọn tốt nhất để hồi sinh và đưa thương hiệu Saint Laurent trở lại thời kỳ huy hoàng. Thậm chí ông Pinault không ngần ngại dự đoán Saint Laurent sẽ sớm vượt qua người anh em cùng tập đoàn là Gucci. Bởi ngoài các chiến lược quảng bá thì sức mạnh của một thương hiệu nằm ở sự đột phá và cách tân.

Tiến Long