LuxeVN – Với công nghệ làm hàng nhái ngày một tinh vi và đòn tâm lý cao tay của những người bán, không ít tín đồ hàng hiệu đã “sập bẫy” một cách ngọt ngào.
>>>>> Túi xách hàng hiệu: Thật – Giả nhập môn
“Tôi bán hàng fake nhưng dùng hàng hiệu.” – Ngọc Trinh
1. Gucci – Milano trốn thuế và bán hàng giả
Cuối năm 2012, dư luận bị sốc với câu chuyện thật giả về sản phẩm bán tại chuỗi cửa hàng Gucci và Milano ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM). Theo kết quả điều tra, mặc dù hàng hóa là thật nhưng Milano lại kê khai hải quan là hàng Trung Quốc để trốn thuế. Mỗi sản phẩm được khai báo chỉ có giá từ 3-6 USD, trong khi giá thực tế có thể từ hàng nghìn đến chục nghìn đô-la.
Gucci – Milano: Hàng hiệu bị “hô biến” thành hàng Trung Quốc để trốn thuế
Sự việc gây hoang mang lớn cho những người mê hàng hiệu nói chung và khách hàng của Milano nói riêng. Như đổ thêm dầu vào lửa, cửa hàng Gucci ngay trung tâm Tp.HCM liên tục tung ra các khuyến mãi hấp dẫn, giảm giá từ 30 đến 80% (!). Một khách hàng ở quận 1, Tp.HCM thậm chí còn “kiện” cửa hàng bán đôi giày bị sai màu giá 9 triệu đồng (đã giảm giá 30%).
2. Bóc 7 cuốn lịch vì lừa đảo bán hàng hiệu
Đoàn Anh Đức (27 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) mở cửa hàng trên mạng chuyên bán hàng hiệu “giả cầy” để lừa tiền của khách hàng. Để cho ra “chất” hàng hiệu thật, anh ta vào các diễn đàn kinh doanh lập các tài khoản khác nhau, “tư vấn” trực tiếp cho người mua. Khi khách đặt hàng, Đức cung cấp tài khoản của vợ hoặc bạn bè để họ chuyển tiền.
Cơ quan điều tra xác định, sau khi nhận được tiền, Đức ngay lập tức phi tang SIM điện thoại sử dụng trước đó để liên lạc với người mua. Tổng số nạn nhân của Đức lên tới 12 người với thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Trong số này, người chuyển khoản nhiều nhất là một phụ nữ ở Tp.HCM, chị này đã mua “hàng hiệu” ở cửa hàng ảo của Đức hết 85 triệu đồng.
Ngày 5.2.2013, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên xử Đoàn Anh Đức và tuyên án 7 năm tù.
3. “Nữ hoàng đồ hiệu” đi chợ Quảng Châu
Tháng trước, các trang tin đồng loạt đăng tải hình ảnh cô nàng người mẫu Ngọc Trinh đang xem đồ tại một cửa hàng trong khu vực chuyên bán hàng nhái ở Quảng Châu, Trung Quốc. Điều đáng nói, khi nhắc đến người mẫu này, truyền thông thường xưng tụng cô là “nữ hoàng đồ lót” hay nhắc đến bộ sưu tập hàng hiệu của cô.
Để thanh minh cho vụ việc, Ngọc Trinh đăng đàn trên trang cá nhân: “Tôi bán hàng fake nhưng dùng hàng hiệu. Tôi vẫn chi vài trăm triệu để mua vài chiếc túi Hermès, vì tôi có điều kiện. Nhưng những khách hàng của tôi thì không. Đâu có ai cấm tôi xài hàng thật thì không được bán hàng fake”.
Không hiểu “cô chủ nhỏ” không biết hay quên mất rằng việc mua bán hàng nhái, hàng giả là vi phạm pháp luật? Nhưng hẳn chuyện người quan tâm và hâm mộ cô nghi ngờ những món đồ hiệu mà Ngọc Trinh từng khoe là khó tránh khỏi…
4. Ca sĩ bán túi nhái cho hoa hậu?
Tháng 10.2013, hoa hậu H.G xách túi Michael Kors tung tăng tham dự một sự kiện mà sau đó cô bị truyền thông “phát hiện” dùng túi nhái. Chiếc túi Michael Kors Selma mà H.G sử dụng gây chú ý vì kiểu dáng, logo, đường may và chi tiết không tinh tế như hàng chính hãng. Nàng hoa hậu đã giận dữ tố cáo người bán chiếc túi cho mình là một đồng nghiệp trong ngành giải trí, ca sĩ P.L. Được biết ngoài H.G, người mẫu X.L hay ca sĩ H.L, Đ.T.T cũng là khách hàng của P.L.
H.G và chiếc túi Michael Kors nhái
Ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng nàng hoa hậu sử dụng chiếc túi Michael Kors để đánh bóng tên tuổi, dọn đường trở lại showbiz. Bằng chứng là sau đó, xuất hiện những tít báo kiểu như “Hoa hậu H.G váy hở táo bạo sau scandal túi fake“… Nếu thật đúng như thế, chẳng đâu lại làm ‘PR ngược’ như giới giải trí Việt Nam.
5. Từ Hermès, Prada hàng hải quan đến Chanel hàng lướt
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ vụ việc cô gái có nickname Ngọc Bella (24 tuổi, Hàng Trống, Hà Nội) lĩnh mức án 10 năm tù giam và nộp phạt 500 triệu đồng sau khi bán túi xách Hermès giả cho một khách hàng Singapore tại sân bay quốc tế Changi với giá 20.000USD.
Trước đó, vào khoảng giữa năm 2013, Ngọc đã lập nhiều nick để rao bán các loại túi hàng hiệu cao cấp như Prada, Hermès, Dior… với giá rẻ. Với lời quảng cáo “đây là hàng “lướt”, hàng hải quan nên giá rẻ tầm 1/3 giá gốc”, không ít khách hàng đã trở thành nạn nhân của Ngọc với hóa đơn lên tới vài trăm triệu đồng.
Túi nhái Prada mà Linh_vu (tài khoản giả của Ngọc) rao bán trên mạng
Cuối tháng 7.2013, Nguyễn Phương Bảo Ngọc đã bị công an phường Tràng Tiền (Hà Nội) bắt tạm giam để điều tra làm rõ vụ việc. Hóa ra, Ngọc cũng chính là chủ nhân của nickname Linh_vu với việc lừa chiếc túi Prada màu đỏ mận với giá 19 triệu đồng, rẻ hơn giá hãng nhiều lần gây xôn xao giới sành đồ hiệu vào tháng 2.2013.
Mới đây nhất là vụ tranh cãi giữa hai netizen khá nổi trên mạng xã hội Facebook. “Nguyên đơn” đã tố cáo người bán hàng “gian dối” và “lừa đảo” khi bán cho mình chiếc xắc tay Chanel ‘second-hand’ nhái. Vụ việc càng trở nên ồn ào và thu hút sự quan tâm của dư luận khi món đồ được bán nhằm mục đích “từ thiện cho trẻ em nghèo đóng học phí”.
Hình ảnh từ tài khoản Facebook của chị D.T.H
Mặc dù đã được bồi hoàn số tiền hơn 17 triệu đồng nhưng chị D.T.H cho rằng, với hành vi “mua gian bán dối” và “lăng mạ cá nhân”, người bán chiếc túi nhái cho mình cần có một lời xin lỗi chính thức.
Dù sự việc trên chưa hẳn đã ngã ngũ nhưng một lần nữa nó làm dấy lên sự lo ngại về những vấn đề của thị trường hàng hiệu ở Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng cần phải trang bị “vũ khí” gì trong cuộc chiến với đồ giả, đồ nhái?
Đan Thanh