Tên
Christian Dior S.A
(còn được gọi là “Dior”)
(S.A là viết tắt của Société Anonyme, tương đương hình thức Công ty Cổ phần)
Cách đọc
Tiếng Pháp: /kʁistjɑ̃ djɔːʁ/
Logo
Ngành hàng
Thời trang cao cấp
Năm thành lập
1946
Người sáng lập
Christian Dior (1905-1957)
CEO
Bernard Arnault
CFO
Florian Ollivier
Giám đốc sáng tạo
Raf Simons
Kris Van Assche (thương hiệu Dior Homme)
Victoire de Castellane (thương hiệu Dior Fine Jewelry)
Trụ sở chính
30 Avenue Montaigne
75008 Paris, nước Pháp
Giới thiệu thương hiệu
Dior lấy 1947 làm năm sinh nhật của hãng dù The House of Dior chính thức ra mắt ngày 16 tháng 12 năm 1946. Lúc này, Dior được một thương gia giàu có tên là Marcel Boussac hậu thuẫn tài chính. Nhà mốt Dior mới ra đời nhanh chóng đóng góp một phần quan trọng vào công việc kinh doanh vải vóc đang lên của vị thương gia này. Dù nổi tiếng độc đoán trong kinh doanh, Boussac vẫn bị khả năng sáng tạo của Dior thuyết phục. Dior không những nhận được mức lương hậu hĩnh cùng với một phần ba lợi nhuận trước thuế của công ty mà còn được đứng tên trên danh nghĩa là chủ.
Tháng 2 năm 1947, Dior cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của mình ngay tại đại bản doanh của công ty tại số 30 Montaigne, Paris. Bộ sưu tập này được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như “Carolle”, “figue 8” nhưng nó được biết đến rộng rãi nhất với cái tên “New Look”. Bộ sưu tập này đã trở thành cảm hứng mang tính cách mạng cho giới thiết kế thời trang sau này. Các minh tinh Hollywood hay giới quý tộc Châu Âu ngay lập tức trở thành khách hàng của Dior. Bộ sưu tập “New Look” đã thổi một luồng sinh khí trong lành cho cả Tây Âu khỏi chiến khí ảm đạm, không cần phải kể đến những người phụ nữ sành điệu Châu Âu đã vồ vập đến với thiết kế của Dior như thế nào.
Đến giờ người ta vẫn tiếp tục tranh cãi về thời điểm ra đời của nước hoa Dior. Nhưng chắc chắn một điều là thời điểm đó là khoảng mùa thu năm 1947 hoặc 1948. Nhãn hiệu nước hoa đầu tiên của hãng mang tên Miss Dior. Một lần nữa, Dior lại là người làm nên cuộc cách mạng, lần này là lĩnh vực nước hoa. Năm 1948, chi nhánh của Nước hoa Christian Dior có mặt tại thành phố New York.
Cái tên Christian Dior tiếp tục sự bành trướng sang nước Mĩ với một cửa hàng cao cấp tại New York năm 1949. Chỉ đến cuối năm, mình Dior đã chiếm đến 75% tổng lợi nhuận xuất khẩu thời trang của Paris và 5% của cả nước Pháp.
Năm 1950, Tổng giám đốc của Dior lúc này là Jacques Rouët đã ra một quyết định quan trọng đối với thương hiệu này. Cái tên Christian Dior được đăng ký bản quyền cho những sản phẩm cao cấp xa xỉ như cà vạt, tất, đồ lót, đồ lông thú, mũ, túi sách, đồ trang sức, khăn quàng. Tuy nhiên, Viện Thời trang cao cấp Pháp kịch liệt phản đối quyết định đó của Dior, họ coi đó là việc làm hạ thấp hình ảnh của thời trang xa xỉ. Và như chúng ta đã biết, ngày nay việc đăng ký bản quyền cho nhãn hiệu là một bước đi mang lại lợi nhuận và nó đã trở thành một xu thế tất yếu mà tất cả các hãng thời trang cao cấp đều đi theo.
Năm 1950 còn ghi dấu sự xuất hiện của Christian Dior trong bộ phim Stage Fright của đạo diễn Alfred Hitchcock với những thiết kế váy cho nữ diễn viên Marlene Dietrich (vai chính Charlotte Inwood).
Năm 1951, Dior xuất bản cuốn sách đầu tay “Je Suis Couturier” (Tôi là nhà thiết kế thời trang). Mặc dù có nhiều fan hâm mộ tại Châu Âu nhưng chính Mĩ mới là mảnh đất lợi nhuận của Dior vào thời điểm này. Công ty Người mẫu Christian Dior được thành lập năm 1952 tại London, Anh. Nhãn hiệu giày Dior lần đầu ra mắt năm 1953 với sự hợp tác của nhà thiết kế giày trứ danh Roger Vivier.
Dior càng trở nên nổi tiếng thì số lượng hàng nhái cũng tăng theo, Những người dùng Dior fake chủ yếu là nữ giới có thu nhập không đủ để chi trả cho xa xỉ phẩm. Điều đó càng chứng tỏ sức hấp dẫn của các mẫu thiết kế của Dior lớn đến thế nào.
Christian Dior lên bìa tạp chí TIME số ra ngày 4 tháng 3 năm 1957. Không lâu sau đó ông qua đời sau một cơn đau tim. Nét quyến rũ trong những thiết kế đột phá của Dior đã ghi danh ông như một trong những nhà thiết kế thời trang vĩ đại nhất của lịch sử ngành này. Cái tên Dior đã đồng nghĩa với thẩm mĩ và xa xỉ.
Dior thời kỳ hậu Dior
Sự ra đi của Dior đẩy The House Of Dior vào tình cảnh lộn xộn. Việc đóng cửa đã được Tổng giám đốc Jacques Rouët cân nhắc. Tuy nhiên giải pháp này đã bị cả giới chuyên môn phản đối mạnh mẽ vì tầm quan trọng của Dior đối với nền thời trang cũng như ngành kinh tế.
Yves Saint-Laurent được bổ nhiệm làm Giám đốc Nghệ thuật của Dior với nhiệm vụ đưa Dior trở lại quỹ đạo. Sự lựa chọn đúng đắn này đã nhanh chóng mang lại thành quả với bộ sưu tập đầu tiên dưới thời nhà thiết kế này. Bộ sưu tập này không những vẫn mang phong cách tỉ mỉ, tỉ lệ hoàn hảo của Dior trên nền những chất liệu thanh tú nhưng mỏng hơn, nhẹ hơn và đặc biệt có tính ứng dụng cực kỳ cao. Saint Laurent được tôn sùng như một vị anh hùng dân tộc. Thừa thắng xông lên, Saint Laurent ngày càng thể hiện sự táo bạo trong các mẫu thiết kế. Bộ sưu tập mang phong cách bohemian của ông năm 1960 bị chỉ trích quyết liệt. Ban Giám đốc của Dior đã giận dữ đến mức, nhân Saint Laurent được lệnh gia nhập quân ngũ, buộc ông phải rời The House of Dior. Tính đến thời điểm rời Dior, Saint Laurent đã hoàn thành 6 bộ sưu tập cho thương hiệu này.
Cuối năm 1960, nhà thiết kế Marc Bohan được chỉ định thay thế Yves Sanit-Laurent. Marc với phong cách thiết kế thủ cựu đã đưa những bộ sưu tập của Dior trở về mặt đất, dễ mặc và thanh lịch. Những thiết kế của Marc được các yếu nhân đặc biệt ưa chuộng. Nữ minh tinh Elizabeth Taylor đã đặt mua đến 12 bộ trong bộ sưu tập Xuân Hè năm 1961.
Năm 1978, Tập đoàn Boussac phá sản, tài sản của tập đoàn bị phát mại trong đó có cả Christistian Dior. Tập đoàn Willot nhảy vào thương vụ này và mua lại Dior. Năm 1979, nhãn hiện nước hoa Dioressence ra mắt một năm sau đó.
Năm 1981, Bernard Arnault và tập đoàn đầu tư của mình mua lại Dior sau khi Willot phá sản. Năm 1985, Dior ra mắt nước hoa Poison. Cùng năm, Bernard trở thành Giám đốc điều hành của Dior. Bernard tách Christian Dior ra khỏi mọi hoạt động dệt may để tập trung vào mĩ phẩm và thời trang xa xỉ. Dưới triều đại của ông, Dior trở lại thời hoàng kim.
Năm 1990, Dior mở rộng quy mô boutique tại New York, Los Angeles, và Tokyo. Năm 1991, Christian Dior lên sàn cổ phiếu Paris. Doanh thu năm 1990 của Dior là 129,3 triệu đô-la Mĩ, lợi nhuận của hãng là 22 triệu đô-la. Dior thu gọn quy mô và hướng đi của mình, hãng tập trung vào 3 mảng sản phẩm là quần áo phái đẹp, đồ lót và đồ trẻ em; tiếp theo là đồ phụ kiện, trang sức; và quần áo nam giới. Các chuỗi cửa hàng franchise được đóng cửa dần để quản lý thương hiệu hiệu quả hơn.
Thương hiệu dành cho nam giới Dior Homme của Dior được ưa chuộng bởi những ngôi sao như Brad Pitt hay rocker Mick Jagger, Năm 2003, nhà thiết kế của Dior Homme, Hedi Slimane nhận được giải thưởng Nhà thiết kế Quốc tế của năm.
Nhàn hiệu nước hoa “Higher” được ra mắt năm 2001, tiếp theo là “Addict” năm 2002. Hai nhãn hiệu nước hoa khác là “Miss Dior Chérie” và “Dior Homme” ra mắt năm 2005.
Dior ra mắt dòng đồng hồ đầu tiên của hãng “Chris 47 Aluminum” năm 2001, khởi đầu thập kỷ thiết kế đồng hồ của Dior. Mẫu thiết kế đồng hồ “Dior 66” của hãng đã phá vỡ kiểu dáng truyền thống của các mẫu đồng hồ nữ giới. Nhà thiết kế của thương hiệu Dior Fine Jewelry, Victorie de Castellane ra mắt thiết kế đồng hồ của riêng cô mang tên “Le D de Dior”, mở đường cho những mẫu thiết kế đồng hồ trang sức của hãng.
Năm 2005, Dior kỷ niệm 100 năm sinh nhật của cha đẻ Christian Dior. Triển lãm “Christian Dior: Con người của Thế kỷ” được tổ chức tại Bảo tàng Dior (Granville, Pháp).
Boutique của Dior tại Việt Nam
Hà Nội
1-17 Trung tâm Thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza)
24 Hai Bà Trưng, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm