Chơi chim là thú chơi tao nhã và cũng lắm công phu. Không dừng lại ở việc nuôi và luyện những chú chim ganh nhau tiếng hót mà người nuôi chim còn thích so tài cao thấp trong việc “độ” lồng, “thửa” coóng. Giá trị của từng loại lên đến vài chục triệu đồng.

Thú chơi tao nhã

Chiều đông, ngồi nhâm nhi ly trà nóng trên phố Nguyên Hồng, tôi được dịp nghe những chú chim vành khuyên “đọ” tiếng hót. Phải thú thật rằng, dân “ngoại đạo” như tôi cũng chẳng biết thế nào là một chú chim líu hay, líu khoẻ, nhưng dẫu sao nghe chúng hót cũng thật vui tai. Tiếng chim vành khuyên thánh thót xua tan cả bầu trời đông u ám. Chẳng là, mấy chú vành khuyên này vừa được ông chủ cho tham dự hội thi chim về…

Tán ngẫu vài câu chuyện với cậu bạn, tôi tình cờ được diện kiến với Sơn “còm” (Láng Hạ, Hà Nội) – một tay chơi chim cảnh còn khá trẻ. Sơn mới ngoài 20 tuổi, nhưng kinh nghiệm trong nghề nuôi chim cảnh cũng khiến các bậc đàn anh kiêng nể vài phần.

Sơn bảo rằng: “Tậu” cho mình một chú chim vành khuyên thì rẻ thôi, chỉ mất vài chục nghìn nhưng để luyện chim hay, đấu tốt, đặc biệt là có “số” trong làng chim cảnh thì người chơi khuyên phải mất nhiều thời gian chăm bẵm, tập luyện rất công phu”.

Sơn bật mí, công đoạn chọn chim phải cực kỳ tỉ mẩn. Chọn khuyên phải là những chú khuyên có đầu to, trán rộng, mắt đóng cao (mắt xếch lên trên phía đỉnh đầu). Nên chọn những chim khuyên mỏ vàng, hàm sâu, lông mỏng, ngắn và tơi. Đây là những chú khuyên có khả năng nhanh hót (líu) và líu nhiều. Chim vành khuyên hay phải là giọng lảnh, to, dài và có tính ganh đua với đồng loại. Chân chim khuyên phải cao, lông óng để tạo dáng cho chim đẹp. Chọn xong chim, mới chỉ là xong công đoạn đầu. Tiếp theo, là công đoạn chăm sóc và tập luyện. Chăm chim mỗi người có một bí kíp riêng.

Sơn bảo rằng, thú chơi chim khuyên của cậu được nhen nhóm sau một lần đến nhà anh bạn mới quen trên diễn đàn chim cảnh. Người này có thâm niên chơi chim cảnh hàng chục năm rồi.

Sau này, Sơn tìm hiểu được biết Câu lạc bộ vành khuyên Hale. Và mỗi buổi sáng, Sơn tìm đến quán cafe nhỏ ở góc hồ Thiền Quang – nơi tụ tập của những thành viên trong Câu lạc bộ vành khuyên Hale để “học mót” bí kíp luyện chim.

Sơn bảo: “Nhâm nhi ly cafe ngồi ngắm nghía những chú vành khuyên cũng thích mắt (hôm ít thì chừng năm mươi, hôm nhiều thì có đến trên trăm lồng vành khuyên xinh xắn) và nghe chúng thi nhau líu lo thì thấy “sướng” tai. Sơn quả quyết, trong làng chơi khuyên, trường phái khuyên đấu khiến nhiều người đam mê hơn cả.

Điểm mạnh của trường phái khuyên đấu đó chính là khả năng líu, chất giọng líu của chú chim. Chính giọng hót líu lo lúc nhẹ nhàng trầm bổng, khi nhanh mạnh gấp gáp, cũng như khả năng đổi giọng, nhái giọng các loài chim khác là điểm dị biệt để phân biệt “đẳng cấp” trong trường phái chim đấu.

Nghe lời giới thiệu của Sơn “còm”, tôi cũng tìm đến quán cafe nhỏ bên góc hồ Thiền Quang. Đúng là “con gà tức nhau tiếng gáy”, cũng như loài chim hơn nhau tiếng hót.Tại đây, anh Đặng Văn Tuấn – phó chủ nhiệm Câu lạc bộ vành khuyên Hale – một lão làng trong giới chơi chim khuyên với thâm niên gần 30 năm kể cho tôi nghe về thú chơi chim khuyên độc đáo của người Hà thành.

Anh quê ở Đà Nẵng, thú chơi chim của anh có từ thời trẻ. Khi ra Hà Nội làm việc, anh một mực đưa những chú vành khuyên “bôn ba” theo mình. Anh Tuấn bảo rằng, trong các loài chim cảnh, chơi khuyên thật lắm công phu. Loài vành khuyên là thứ chim nhỏ xinh, màu vàng xanh nhưng cũng có con màu vàng óng, đen, mơ rất được ưa chuộng. Công đoạn chăm sóc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ từ việc chọn cám, bổ sung các dưỡng chất để tăng sức đề kháng, cũng như chế độ tắm đặc biệt.

Anh Tuấn cũng cho biết, ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, thú chơi chim vành khuyên hiện đang nở rộ. Có nhiều Câu lạc bộ được mở ra như Hale, Giáp Nhị, Sinh vật cảnh Hà Nội, Long Biên, Hà Đông.

Thông thường, các Câu lạc bộ, Hội chim vành khuyên đều có những cuộc thi cho riêng mình. Những cuộc thi chim thu hút đông đảo người chơi chim tham dự. Bởi thông thường, các chú chim đoạt giải sẽ được định giá rất cao. Chim khuyên của anh Tuấn được định giá 25 triệu đồng bởi đã nhiều lần đoạt giải trong các hội thi. Anh Tuấn bảo, đó chưa phải là cái giá ngất ngưởng, mà chỉ là cái giá kha khá cho những người chơi chim. Thực tế, có con hoàng khuyên líu hay lên tới 65- 70 triệu đồng.

Đua nhau “độ” lồng, “thửa” coóng

Quay lại câu chuyện mà Sơn “còm” kể với tôi, anh bảo rằng, người chơi chim cảnh không chỉ “tức” nhau trong mỗi cuộc thi xem chú chim nào líu hay, líu khoẻ mà họ còn ganh nhau ở “đẳng cấp”… “độ” lồng son cho những chú chim quý của mình. Cũng bởi thế, trong giới chơi chim cảnh từng rộ lên tin về người sở hữu chiếc lồng chim đắt nhất Việt Nam với chiếc lồng trị giá 700-800 triệu đồng.

Trên diễn đàn chim cảnh, các thành viên kháo nhau về những chiếc lồng đắt tiền. Đắt đỏ nhất phải kể đến lồng được làm bằng ngà voi, có giá từ 200-700 triệu đồng. Những chiếc lồng được làm bằng tre già và chạm trổ tinh tế cũng  ngốn từ 50 triệu -120 triệu đồng.

Image
Chiếc lồng Ngũ Long tranh châu của Hùng “xiếc” có giá hơn 50 triệu.

Trò chuyện với tôi, Sơn thích thú khi kể về thú “độ” lồng của những dân chơi. Sơn bảo, những người chơi chim cảnh có thêm cái thú sắm “lầu son, gác tía” cho những cục cưng của mình. Giá cả các loại lồng phụ thuộc vào độ tinh xảo trong cách xử lý chất liệu chế tạo lồng. Lồng đục chạm càng cầu kỳ giá càng cao. Nếu thêm các chất liệu quý như ngà voi, đồi mồi, sừng, xương để thay một số hay toàn bộ tre trúc thì giá càng đắt.

Tên lồng được đặt theo tích từng họa tiết được nghệ nhân khắc chạm trên đế. Tích phổ biến của các loại lồng nhập khẩu từ Trung Quốc được người dùng ưa thích như tích Tam Quốc: Khắc hình các nhân vật, các trận đánh nổi tiếng thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Tích Bát tiên: Bao gồm Bát tiên quá hải, Bát tiên quần thú, Bát tiên Khắc hình tám vị tiên. Tích Mười hai con giáp: Khắc hình 12 con giáp hết sức tinh tế. Ngoài ra lồng Khuyên còn được chạm các tích Bát mã, tích Tôm cua cá, Chim hoa… Các bức chạm trên chất liệu tre trúc giống như những bức tranh trang trí tăng thêm phần trang trọng của từng chiếc lồng. Bức chạm càng tinh xảo, giá tiền chiếc lồng càng cao.

Image
Bộ coóng cổ Trung Quốc được rao trên mạng

Sơn cho biết, việc “độ” lồng chim, “thửa” những bộ coóng (đựng thức ăn cho chim khuyên) cũng thật kỳ công. Những bộ coóng bằng sứ, sừng, đồi mồi hoặc ngà voi tùy thuộc vào hầu bao. Đắt tiền nhất là độ bằng ngà voi. Một chiếc rọ đựng châu chấu cho chim ăn nhỏ xíu (dài khoảng 8 cm, rộng chừng 2 cm) bằng ngà voi cũng có giá tới 5 triệu đồng. Vì vậy, một bộ coóng (khoảng 4-5 chiếc) bằng ngà có giá 20 – 25 triệu đồng, chưa kể cầu cho chim đứng, móc lồng cũng làm bằng ngà voi. Đấy là những bộ coóng thể hiện “đẳng cấp” đại gia. Còn với những tay chơi “non” như Sơn, bộ coóng “Vạn Tự”  mà cậu vừa đặt hàng từ Quảng Châu về cũng chỉ 6 triệu đồng mà thôi. Còn thông thường, Sơn mua những bộ coóng có tranh vẽ theo tích cổ Trung Quốc chừng 1,8- 2, 5 triệu đồng.

Nói về thú “độ” lồng chim, Sơn điểm mặt những nhân vật “nổi đình, nổi đám” trong làng chim cảnh. Sơn trầm trồ khi nhắc đến nhân vật Hùng “xiếc” – người được coi là người sở hữu nhiều chiếc lồng chim đắt tiền, trong đó chiếc lồng Ngũ Long tranh châu (năm con rồng tranh ngọc). Gia tài lồng chim của Hùng có tới gần 20 chiếc với các tích khác nhau như Cửu Lanh châu, Ngũ Phúc, Thập bát La Hán, Mai điểu… Hùng cũng là một người nghiện “độ” lồng. Không bằng lòng với cái đẹp nguyên bản, chiếc lồng Ngũ Long tranh châu được Hùng lược bớt các chi tiết rườm rà. Thêm vào đó là chiếc cầu xinh xắn bằng ngà voi có hình hai con rồng chầu hai bên cho khuyên leo trèo. Một số chi tiết khác bằng ngà voi cũng được độ thêm.

Sơn bật mí, giới chơi lồng hiện nay đều phải đặt hàng từ Trung Quốc với các tích xưa. Có cá biệt những người chơi chim lại “thửa” riêng cho mình những chiếc lồng chim theo tích thuần Việt. Điển hình Huy “Liên Xô” với chiếc lồng “độc nhất vô nhị” với hình trống đồng và chim Lạc hay theo tích tranh Đông Hồ. Mấy năm trước anh đã lặn lội sang tận Trung Quốc đặt làm chiếc lồng này vì các nghệ nhân làng Vác (Hà Tây) không chế được đồ tinh xảo như vậy. Nghe nói, phải mất một năm rưỡi, các nghệ nhân Trung Quốc mới chế tác xong chiếc lồng này với giá thành lên tới 50 triệu đồng.

Sơn “còm” thú thật, anh cũng rất thích “độ” lồng chim, nhưng rút kinh nghiệm của nhiều bậc đàn anh, Sơn không chi tiền vô tội vạ, không đầu tư mua những chiếc lồng với giá ngất ngưởng, bởi anh nghĩ chim quý không phải ở lồng son.

Theo Người đưa tin