McQueen được phát hiện tử vong tại nhà riêng của ông ở London vào ngày 11 tháng 2 năm 2010. Nhân viên điều tra nói rằng ông đã treo cổ tự vẫn ngay đêm trước đám tang của mẹ mình, chỉ để lại một bức thư ngắn.
McQueen là một “ông bầu” với những yêu cầu cao đối với ngành thời trang. Ông biết cách may những chiếc váy, áo vét và quần dài đẹp nhất, nhưng đối với ông như vậy vẫn chưa đủ. Ông còn muốn thời trang mang một sức nặng, có ý nghĩa và có chiều sâu, do vậy ông đã tổ chức các buổi giới thiệu bộ sưu tập của mình với mục đích thúc đẩy nghệ thuật, và đôi khi những bộ sưu tập đó lại mang tính chất chính trị, xã hội, thậm chí gây bất ngờ và kinh dị.
“Tôi tin vào việc miêu tả những gì đang diễn ra,” ông từng nói. “Tôi là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Tôi không tin vào tôn giáo, hay một thực thể muốn cai trị con người. Chủ đề trong các buổi trình diễn của tôi cũng như vậy.”
Quan điểm của nhà thiết kế này đã được chuyển tải vào chính những bộ quần áo, dù ít hay nhiều. Nhưng nhìn chung điểm nổi bật của chúng chính là cái đẹp, kỹ xảo tinh tế, đường nét mạnh mẽ và tự tin, sự kết tinh giữa truyền thống và hiện đại.
McQueen sinh ra tại London năm 1960, là người nhỏ tuổi nhất trong 6 người con của người cha làm nghề lái taxi. Cuộc đời của ông là một câu chuyện kinh điển về một cậu bé nghèo gây dựng cơ nghiệp lớn. Mang gốc Scotland nhưng lớn lên ở Anh, cậu bé McQueen bộc lộ niềm đam mê dành cho thời trang khi mới 3 tuổi. Ở trường cậu được gọi là “McQueer”, và người cha hy vọng cậu sẽ trở thành một người thợ điện hay thợ sửa ống nước như tất cả những cậu bé khác.
Rồi một ngày mẹ tặng cậu món quà làm thay đổi tất cả – một cuốn sách về những con người trong ngành thời trang – và nó đã mở ra cho cậu hy vọng rằng ước mơ sẽ trở thành hiện thực.
McQueen rời trường học vào năm 16 tuổi, chuyển đến Savile Row để học việc tại những tiệm may có tiếng, đầu tiên là ở Anderson & Sheppard, và sau đó là ở Gieves & Hawkes. Ông học được tất cả mọi thứ về thiết kế, may đo và cắt họa tiết.
Thời gian sau ông làm việc cho những người may y phục sân khấu Angels và Bermans. Năm 20 tuổi, ông được nhận vào làm cho nhà thiết kế Koji Tatsuno trước khi đến Milan làm trợ lý thiết kế cho Romeo Gigli. Trở về London, McQueen giành được bằng cử nhân về thiết kế thời trang của trường St. Martin năm 1994. Tất cả các tấm bằng của ông đã được nhà thiết kế Isabella Gigli mua lại.
Từ năm 1996 đến năm 2001, ông là nhà thiết kế chính của hãng thời trang Pháp Givenchy. Năm 2000, nhãn hiệu Alexander McQueen đã được mua bởi tập đoàn Gucci, và ông trở thành Giám đốc Thiết kế của tập đoàn này.
Theo trang web alexandermcqueen.com, vào thời điểm qua đời, McQueen đã sở hữu nhiều cửa hiệu ở New York, Milan và London. Những bộ sưu tập của ông, bao gồm cả trang phục may sẵn cho nam và nữ giới, đã được phân phối ở khoảng 40 quốc gia.
Mặc dù ban đầu không chắc chắn, công ty mẹ của tập đoàn Gucci – PPR vẫn tuyên bố về cuộc triển lãm Alexander McQueen tại Paris vào mùa xuân năm 2010, và nhãn hiệu này sẽ tiếp tục dù không còn người sáng lập.
Những sáng tạo cuối cùng của McQueen đã được trưng bày tại một triển lãm kín vào ngày 9 tháng 3 năm 2010, trong giai điệu của những bản giao hưởng cổ điển mà ông đã từng nghe khi thiết kế nên bộ sưu tập cho mùa thu 2010 cuối cùng.
Theo NDHMoney | Nguồn: nytimes.com