LuxeVN – Mỹ phẩm vốn là một trong những thị trường sản phẩm phong phú nhất với đủ các mức độ chất lượng, chức năng và giá tiền. Mặt trái của hiện tượng đó là để ít nhiều khiến các quý bà quý cô yên tâm rút ví, đa số các sản phẩm mỹ phẩm đều đính kèm chữ “cao cấp”. Vậy thế nào mới là mỹ phẩm cao cấp?
Tất nhiên, giá thành cao là một trong những dấu hiệu nhận biết về giá trị “cao cấp” của sản phẩm. Tuy nhiên, tương ứng với giá thành đó phải là những đặc tính liên quan tới thành phần, phương pháp chế tạo riêng của sản phẩm và thương hiệu. Dưới đây xin được giới thiệu 5 loại kem dưỡng da được công nhận ở mức độ cao cấp trên toàn cầu:
Kem dưỡng da từ tinh chất hoa lan (hãng Guerlain, Pháp)
Với mức giá khoảng 410USD (khoảng 10 triệu đồng), sản phẩm Orchidee Imperiale Cream Next Generation của hãng mỹ phẩm Pháp có thành phần chính là chiết suất phân tử của 4 loại hoa lan đặc biệt quý theo phương pháp riêng của hãng Guerlain mang tên Imperiale Orchidee Molecular Extract. Sản phẩm này có thể xử lý mọi dấu hiệu lão hoá trên da, giúp da săn chắc và giảm thiểu nếp nhăn hiệu quả. Đặc biệt, sản phẩm này đem lại hiệu quả sử dụng chỉ trong vòng không quá 1 tháng. Với hơn 10 năm nghiên cứu để ra đời thành phàn chiết suất hoa lan độc quyền này, Guerlain được đánh giá là một trong những thương hiệu mỹ phẩn uy tín nhất hiện nay.
Kem dưỡng da chiết suất hoa quả tươi (hãng Sisley, Pháp)
Những người phụ nữ có khả năng sử dụng các loại mỹ phẩm cao cấp ở châu Âu đều thừa nhận rằng nếu đã dùng sản phẩm của hãng Sisley thì sẽ không muốn đổi sang thương hiệu khác. Thế mạnh của hãng này là thành phần chính axit ursolic trong các sản phẩm chống lão hoá da. Đây là loại axit chiết suất từ các loại hoa quả tươi như táo, nam việt quất… Vì thế thành phần 96% loại axit này trong sản phẩm Sisleya Global Anti-Age Cream hoàn toàn không gây hại cho da hay sức khoẻ.
Đặc biệt, các nghiên cứu khoa học cho biết đây là loại axit có lợi để chống lại ung thư. Điều đáng lưu ý duy nhất là khi sử dụng sản phẩm này, các chị em ngoài 30 phải kết hợp với Vitamin A hay còn gọi là retinol. Sản phẩm này có mức giá khoảng 490USD (khoảng 11 triệu đồng).
Công thức của vàng và sữa ong chúa (hãng Orlane, Pháp)
Nếu bạn nghĩ rằng 2 loại kem dưỡng da trên đắt tiền thì… vẫn chưa phải là đắt nhất đâu. Sản phẩm Creme Royale của Orlane có giá tới 650USD (khoảng 13.5 triệu đồng) và nó có 2 thành phần mà nghe qua cũng hiểu là không thể rẻ: sữa ong chúa và vàng. Đây là sản phẩm đắt nhất trong danh mục sản phẩm của hãng.
Tại sao phải có vàng trong mỹ phẩm? Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng không chỉ là kim loại quý hiếm, vàng còn có tác dụng làm căng da và có đặc tính chống oxi hoá. Chính vì thế, trong lịch sử cũng như hiện nay, vàng được đưa vào như một thành phần cao cấp để dưỡng da. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại mỹ phẩm có vàng thì nên cẩn thận vì thành phần này có thể gây dị ứng da.
Một lý do khác khiến loại mỹ phẩm này đắt vì nó được tạo ra theo công thức chăm sóc da cổ xưa của người Ai Cập và Trung Quốc. Cụ thể là thành phần sữa ong chúa. Chiết suất mật ong tinh khiết cung cấp hydrat cho da, làm sáng da và ngăn ngừa lão hoá.
Dưỡng da kiểu quý tộc Nhật (hãng Sensai, Nhật Bản)
Cùng mức giá với sản phẩm của Orlane, dòng kem dưỡng da cao cấp Kanebo Collection Premier cũng có thành phần rất đặc biệt. Đó là chiết suất từ lụa Koishimaru, một công thức dưỡng da vốn được các gia đình quý tộc Nhật Bản sử dụng. Thành phần đặc biệt này không chỉ cung cấp hydrat cho da mà còn đẩy nhanh quá trình tổng hợp axit hyaluronic (HA), thứ được coi là “thần dược chống lão hoá”.
Kem dưỡng da bạch kim (hãng La Prairie, Thuỵ Sĩ)
Sản phẩm Cellular Cream Platinum Rare của La Prairie hiện nay có giá khoảng 1000USD (khoảng 23 triệu đồng). Đúng như tên gọi của nó, thành phần quan trọng của loại kem dưỡng da này là bạch kim (platinum). Chính xác hơn là bạch kim dạng keo (một hệ thống treo các hạt kim loại trong nước) có khả năng liên kết với da người. Các điện cực của bạch kim với xúc tác hoá học sẽ ngăn chặn và giúp da điều thải chất đọc, xoá bỏ nếp nhăn, tăng cường độ đàn hồi, độ dẻo của da.
Theo tìm hiểu của phóng viên Luxevn, các loại mỹ phẩm với mức giá rất cao này cũng được một bộ phận khách hàng nữ giới ở Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, theo chủ một đơn vị phân phối mỹ phẩm nhập khẩu lớn thì chủ yếu các sản phẩm ở phân khúc cao này vẫn được đưa vào thị trường qua đường xách tay, hoặc qua một số trang web bán mỹ phẩm trực tuyến hay người dùng chủ động tìm hiểu và mua trực tiếp từ nước ngoài để sử dụng. “Mặc dù thị trường mỹ phẩm ở Việt Nam phát triển khá tốt nhưng các thương hiệu ở phân khúc này vẫn chưa có các cửa hàng chính thức ở đây. Điều này cũng ít nhiều hạn chế việc tìm hiểu và sử dụng đúng cách của khách hàng…” chủ đơn vị phân phối này cho biết.
Thuỷ Hiền