Tôi và đồng hồ
Đàn ông thì thời nào cũng thế, tức là thời nào cũng “đồng hồ – kính – bút máy” – Những vật dụng chẳng thể thiếu được thể hiện cho một nền văn minh. Có lẽ đó là những chuẩn mực để xác định con người khi anh ta tham gia vào nền văn minh cơ khí. Đồng hồ là đỉnh điểm của nền văn minh sắt thép và hiện nó vẫn tồn tại trong nền văn minh điện toán. Theo nhiều biểu hiện mới của việc thay đổi các quan niệm trong xã hội, “đồng hồ – kính – bút máy” hiện trở nên có giá trị hơn về tính thẩm mỹ, đẳng cấp. Hay đúng hơn nó là gu của từng cá nhân, những cá nhân luôn muốn tạo nên tính riêng biệt khi mang theo những “vật dụng” nhỏ xinh này.
Đồng hồ luôn tạo nên nam tính một cách chuẩn mực nhất. Khi người ta nói tới đàn ông, người ta thường nghĩ tới những đức tính giống như chiếc đồng hồ: chính xác, chi tiết, bền bỉ hoạt động. Đồng hồ hiện hữu cạnh người văn minh như một xác định cụ thể – “tôi tuân thủ nguyên tắc”. Đồng hồ có sự phân chia chính xác từng chức năng của các bộ phận. Đó cũng chính là ẩn dụ cho nét quyến rũ của người đàn ông hiểu mình như thế nào trong nhân loại 6 tỷ người này.
Đồng hồ xa xưa cho thấy một thể chế, một vũ trụ quan của cộng đồng nào đó và cũng cho thấy tính thống nhất của nhân loại về mặt quy ước thời gian. Chính vì những điều đó mà mỗi người đàn ông trên mặt đất này đều mong muốn có một chiếc đồng hồ. Nó như biểu tượng của con người khi tham gia vào cộng đồng. Tôi cũng chẳng loại trừ mình trong đám đông đó. Cũng ái ố hỷ nộ tham sân si hận. Cái ngày mà tôi có chiếc đồng hồ đầu tiên là ngày trọng đại. Cái ngày có thể gọi là Lễ trưởng thành cho một cậu thiếu niên. Nhu cầu chính xác trong giờ học, đi tới, đi lui hay đơn giản là xem đúng giờ tivi có phim “Trên từng cây số” là lý do để bạn sở hữu một chiếc đồng hồ đeo tay.
Dĩ nhiên với óc quan sát trẻ thơ của tôi cùng với những phản xạ tự nhiên của cơ thể, tôi cũng có thể biết giờ tương đối chính xác. Lúc nào mình thấy cái cây đứng bóng, thấy bụng đói cồn cào. Đồng hồ tự sinh ra trong cơ thể và giác quan của tôi. Nhưng đồng hồ cơ khí đeo trên tay lại là một câu chuyện khác hẳn. Một người sắp trưởng thành như tôi luôn kiêu hãnh ngầm khi có một người già hỏi mình giờ khi đang đi trên phố. Vì tôi hiểu, tôi đã lớn, đã được công nhận là con người của xã hội. Lẽ nào một chiếc đồng hồ nhỏ mà lại có ý nghĩa đánh dấu mốc quan trọng thế trong việc sống của một người thanh niên. Nhưng quả thật là vậy.
Chiếc đồng hồ đầu tiên của tôi hiệu Poljot. Một thương hiệu đồng hồ đỉnh cao của Liên Xô. Logo của nó là một “em” cá heo đang lượn rất đẹp. Vẻ thanh mảnh của nó cùng những chi tiết bé tinh xảo ánh lên màu vàng hợp kim. Đó là sự thanh lịch, đó là sự cương quyết và đó là sự kiêu hãnh thầm kín. Giá của nó không hề rẻ chút nào, thời đó đồng hồ mạ vàng Poljot có giá khoảng 500 đồng tương đương với 4 chỉ vàng. Tức là khoảng 10 triệu bây giờ. Thế là quá mức đối với một cậu thanh niên 16 tuôi. Tôi đã phải cật lực làm thợ cơ khí suốt các tháng hè để mua nó. Chính xác là dũa khung xe đạp suốt như một nghệ sĩ violon trong những ngày hè đầy tiếng ve kêu. Vào cái thời mà đồng hồ điện tử casio theo chân các công nhân xuất khẩu lao động từ “tàu viễn dương” đang được bán đầy trên phố hàng Đào thì chiếc Poljot của tôi có vẻ hơi già.
Nhưng chẳng có gì có thể ngăn tôi kiêu hãnh. Vì những người đàn ông sang trọng lớn tuổi tới nhà tôi chơi bao giờ cũng đeo đồng hồ cơ khí, lên dây cót bằng núm nhỏ. Các anh tôi thì hầm hố bởi bọn Senko SK “chín vít móng lừa”. Chiếc Senko rất to so với cổ tay người Việt. Và điển hình của nó là quá lòe loẹt, đầy màu sắc bằng sắt hợp kim và thô lỗ. Nhưng thời đó khi các anh để tóc dài, mặc quần loe, đi giày mõm “quả táo đỏ” lại rất thích chúng. Đó có thể là sự ảnh hưởng từ những “dụng cụ” được thiết kế cho quân sự. Đại để là nó có múi giờ, đo tọa độ và chịu được 40m dưới nước. Chẳng hiểu các anh tôi đeo nó thì có nghĩ mình sẽ đi lặn không nhỉ? Khi mà mọi người đang lao động hăng say thì các anh lại đang tập trung trong các quán café như quán Gió ở công viên.
Khi vào đại học, để khẳng định mình không lập dị và hòa mình với quần chúng, tôi cũng chuyển sang đeo đồng hồ điện tử. Chỉ khác là nó có mặt màu và có thể biến đổi các màu theo nhiệt độ. Chịu được nước và lại đếm được chính xác tới từng giây khi bạn chạy. Tuổi trẻ thì ai chẳng khỏe và người nào mà chẳng thích giải tỏa năng lượng qua việc chạy thật nhanh. Đại thể là lúc đó tôi bắt đầu chú ý tới “tấm thân”. Nên chạy tập vào hàng sáng là cách rẻ và lành mạnh để có thân hình đẹp. Và đó là một loạt lý do nên có một chiếc đồng hồ điện tử. Giờ thì đồng hồ chẳng còn là một cách xem giờ hay ho nữa. Ngày nào chẳng thế, giờ nào chẳng thế. Cứ trình tự y tiến.
Khi người ta có tuổi thì cũng chẳng nhiều cuộc hẹn để phải thấp thỏm xem đồng hồ. Hay là hoang mang, gây gây sốt khi cô bạn gái tới và trách là sao cô ấy lại tới muộn nữa. Vả lại tuổi này, thời này nếu mắt bạn tinh thì bạn có thể xem giờ trên nhiều phương tiện: Ipod, Mobilphone và đồng hồ treo tường nhan nhản mọi nơi. Do vậy chiếc đồng hồ đeo tay lại càng có một giá trị khác rất xa khi so với chức năng ban đầu của nó là xem giờ. Đồng hồ thời này là của cải, là sự khoe khoang hay đúng hơn là sự khẳng định đẳng cấp. Thời nay tôi thấy ít ai vung tay “khuỳnh” ra để lộ chiếc đồng hồ ở nơi cổ tay dưới áo, xem và đứng lên đi. Tôi nhớ cái thói quen đó. Thói quen mà chỉ có những người đàn ông chân chính mới có.
Thời này bạn tôi – một doanh nhân thành đạt đeo chiếc Rolex vàng ròng, bên ngoài măng-séc áo sơ mi. Nhìn cứ như thể một cái còng vàng. Thời này ai cũng sở hữu vài cái đồng hồ đeo tay như thể cho tông sẹc tông (ton sur ton) với quần áo. Và nghiễm nhiên đồng hồ đã trở nên một phần phụ kiện của thời trang. Dĩ nhiên với những lời quảng cáo sang trọng thì đồng hồ với những thiết kế ẩn dụ từ hình thái lẫn vật liệu vẫn luôn là một giá trị biểu hiện ngầm cho đẳng cấp, tuyên ngôn của người đeo nó. Nhưng không chỉ có đồng hồ tham gia xu hướng này. Kính, bút máy, điện thoại cũng đều là tuyên ngôn cho vấn đề đó.
Và thế là một bản giao hưởng mang đầy tính sang trọng đắt tiền và rối loạn về tuyên ngôn xuất hiện. Đại để có anh chi thích đeo rolex kiểu sang trọng đơn giản và lại luôn cầm theo chiếc điện thoại nạm đầy pha lê trông rất chi lệch lạc về thẩm mỹ. Và cũng có ông lại đeo chiếc Omega phiên bản 007 nhưng cùng với kính Gucci gọng nhựa chữ nổi mạ vàng to tướng ở mắt. Thời trang là thế, không nhất thiết là có tiền thì anh sẽ hiểu đồ vật nào phải đi với nhau. Vì thời này không ai bàn chuyện chiếc đồng hồ với lịch sử của nó. Ngày nay giá của đồng hồ và mức độ xuất hiện trên tạp chí quảng cáo của nó luôn đồng nghĩa với sự tự hào khi mang nó trên tay. Cái ánh mắt nhìn giờ kín đáo, cái cương quyết khi giơ tay nhìn giờ không còn nhiều nữa.
Ngày nay đồng hồ đeo tay to bằng hợp kim, nạm nhiều pha lê, kim cương thường hiện hữu trên tay các cô gái “Nam quyền”. Dĩ nhiên đó là hệ quả của việc các tạp chí hay hướng dẫn đó là phong cách thời trang gợi cảm một cách cưong quyết. Nhưng ở khía cạnh nào đó thì các cô gái trẻ hay đeo đồng hồ to kiểu Montblanc hoặc Omega là “chúa trùm” trễ hẹn. Đấy là qua thực nghiệm nhìn thấy hiện tượng đó. Chứ tuyệt nhiên tôi chẳng có lý do nào để nối vấn đề đó vào chiếc đồng hồ. Đồng hồ là một bộ máy mà trong nó thể hiện cả một nền văn minh và khoa học của nhân loại. Đó là lý do tôi vẫn tự hào khi mình mang trên tay một chiếc đồng hồ, dù là bất kỳ loại gì.
Thắng Nghệ (Bài đăng trên PCV 6/2019)