LuxeVN – Cuối tháng 6 vừa qua, hội nghị thường niên về thị trường xa xỉ do tờ Financial Times tổ chức đã diễn ra tại Mỹ. Những người đứng đầu các thương hiệu xa xỉ cùng bóc tách và thảo luận về sự biến đổi, những cơ hội và thách thức của thị trường đặc biệt này.

Thị trường xa xỉ đang chứng kiến những thay đổi đáng kể mà các hãng kinh doanh cần nhanh chóng nắm bắt và thích nghi. Nổi bật nhất chính là xu hướng đề cao cảm giác trải nghiệm với sản phẩm hơn là giá trị đắt tiền của khách hàng.

Những người đứng đầu của ngành công nghiệp xa xỉ đã có mặt tại sự kiện thường niên do tờ Financial Times tổ chức

Bà Sarah Quinland – đại diện của Mastercard nói về sự thay đổi trong cách thức mua sắm hàng xa xỉ của khách hàng tại các trung tâm thương mại. “Lượng tiêu thụ ở các trung tâm thương mại cao cấp đang có xu hướng giảm. Và những báo cáo gần đây cho thấy người tiêu dùng quan tâm nhiều tới việc một món đồ trang sức hay một sản phẩm thời trang có đem lại cho họ trải nghiệm độc đáo không chứ không phải giá của nó cao tới mức nào”, bà nói.

Theo bà, chính bởi xu hướng này mà trong các loại hình dịch vụ cao cấp, du lịch đang tăng trưởng rất tốt. Trong bản báo cáo thường niên của Mastercard về mục đích sử dụng của người tiêu dùng, du lịch đang là nhu cầu cao nhất của giới nhà giàu khi “quẹt thẻ”.

Phó giám đốc Marketing của tập đoàn Hilton, ông Stuard Foster khẳng định tất cả các mặt hàng và dịch vụ của Hilton đều cố gắng mang lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất đặc biệt với mảng kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Đại diện của tập đoàn này cho biết tốc độ tăng trưởng thường niên của mảng du lịch là 14% trong suốt 14 năm qua. Và hiện nay họ vẫn đang đầu tư mạnh và sâu vào những thương hiệu nghỉ dưỡng cao cấp mà điển hình là hệ thống khách sạn Waldorf Astoria. Ông Stuard Foster còn cho biết hệ thống này đang được kỳ vọng sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực khách sạn cao cấp toàn cầu thông qua những dịch vụ đem lại cho du khách trải nghiệm đa dạng nhưng luôn đặc biệt.

Du lịch đang là loại hình dịch vụ dẫn đầu về doanh thu của công nghiệp xa xỉ

Thậm chí gia đình Hilton còn sử dụng phương pháp “cạnh tranh lành mạnh” để khai thác triệt để lợi thế dịch vụ du lịch. Song song với Waldorf Astoria, họ cũng đầu tư mạnh tay cho một hệ thống khách sạn khác là Conrad Hotel & Resorts. Cá tính riêng của Conrad là các khách sạn gắn bó khăng khít với nghệ thuật tạo nên những không gian nghỉ dưỡng sang trọng và luôn khiến khách muốn quay lại.

Ngoài ra, mới đây, Conrad còn cho ra đời một tiện ích mới là hệ thống phục vụ qua mang điện thoại di động nhằm giúp khách hàng có những chuẩn bị tốt nhất trước khi bắt đầu chuyến du lịch. Những trải nghiệm như vậy chính là điều mà các hãng cao cấp đang hướng tới.

Không chỉ có trong ngành công nghiệp khách sạn, những trải nhiệm của sự xa xỉ còn vươn tới ngành dịch vụ giải trí. Ông Alejandro Ramirez Magana, Chủ tịch hãng phim Cinépolis của Mexico cho biết hãng của ông đang cố gắng mang đến những cảm giác mới lạ cho người xem phim trong rạp. Bắt đầu bằng việc xây dựng các rạp chiếu phim cao cấp mô phỏng các khoang hạng nhất của máy bay từ năm 1999, Cinépolis đã phát triển thêm các công nghệ mới nhất như IMAX hay 4D. Trong năm nay, họ vừa cho ra đời sản phẩm màn hình đặc biệt dành cho trẻ em.

Công ty Cinépolis của Mexico khá thành công với hướng phát triển những trải nghiệm điện ảnh cao cấp.

Tương tự với Cinépolis, Andrew Keith, Chủ tịch của hệ thống phân phối thời trang cao cấp Lane Crawford, cho biết với việc mở cửa hàng bán đồ xa xỉ đầu tiên ở Trung Quốc, hãng đang cố gắng xây dựng một thương hiệu dựa trên cảm giác của người tiêu dùng. Lane Crawford đang xây dựng một hình ảnh thân thuộc với cộng đồng địa phương, một hệ thống bán hàng online, các dịch vụ hoàn trả miễn phí và dịch vụ giao hàng tận nơi trong một ngày. Để làm được những điều trên, Lane Crawford cần một đội ngũ nhân sự hiệu quả để đem tới những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Chính vì vậy mỗi năm, hãng cung cấp đến 2.320 khoá học cho nhân viên để xây dựng một đội ngũ tinh nhuệ nhất tại thị trường Trung Quốc.

Marco Bizzari, Giám đốc Điều hành của thương hiệu túi xách nổi tiếng Bottega Veneta còn thực hiện những động thái “mạnh tay” hơn khi đưa tất cả nhân viên từ Trung Quốc tới các công xưởng ở Ý, nơi mà các giá trị và đặc trưng của thế kỉ XVIII được hoà quyện với công nghệ hiện đại, giúp họ có những hình dung tốt hơn về công việc và truyền tải tới khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Ngoài chủ đề chính là làm sao để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, hội nghị còn bàn về những chiến lược cụ thể để tiếp cận các thị trường tiềm năng mới nổi.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phillip Guarino, đồng sáng lập của Emerging Market Luxury Advisors nói đến những điểm quyết định cho sự thành công của các mặt hàng xa xỉ tại các thị trường mới. Ông cho biết để có thể thực sự vươn xa, các hãng cần có những chiến lược khác nhau thay vì áp dụng cách bán hàng ở châu Âu cho các cửa hàng ở Sao Paolo hay Bắc  Kinh. Và thay vì tập trung vào các vùng riêng biệt, những chiến lược đưa ra nên hướng tới các nhóm tuổi cụ thể có thể được áp dụng xuyên suốt các quốc gia.

Christian Louboutin coi việc thích nghi với những thị trường tiềm năng mới là vấn đề sống còn của thương hiệu cao cấp này.

Christian Louboutin là một ví dụ điển hình. Mỗi khi mở một cửa hàng mới, đích thân ông đến tận nơi, nhìn ngắm và lắng nghe các cảm nhận của khách hàng. Với rất nhiều bộ sưu tập thời trang và khoảng 850.000 đôi giầy được sản xuất hàng năm, ông luôn cẩn thận chọn lựa ra các phần khác nhau của bộ sưu tập cho các thị trường khác nhau. Ông không theo một xu hướng thời trang nhất định vì theo quan điểm của ông, thời trang là một chuyện và phong cách lại là một chuyện khác.

Tất nhiên, thị trường mới ắt phải có vấn đề mới. Những trao đổi giữa lãnh đạo các thương hiệu hàng đầu đưa ra nhiều vấn đề rất sát sườn. Từ câu hỏi có nên tính lương cho người bán hàng theo giá trị của đôi giầy bán được cho tới vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại các thị trường đang phát triển.

Thổ Nhĩ Kỳ được nói tới như một ví dụ điển hình về vấn đề hàng giả. Hiện nay, tại đây có rất nhiều sản phẩm không chính hãng đang bị trộn lẫn trên thị trường bên cạnh các sản phẩm chính hãng. Đau đầu hơn cho các hãng là đa số hàng nhái ở Thổ Nhĩ Kỳ lại là hàng “super fake” với chất lượng không quá xa so với “hàng xịn”.

>>>>> Túi xách hàng hiệu: Thật – Giả nhập môn

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ không phải thị trường tiềm năng mới duy nhất. Vậy để giải quyết vấn đề này các hãng cần làm gì?

Thị trường mới là cơ hội mới nhưng cũng là những thách thức mới cho các hãng sản xuất hàng hiệu.

Các chuyên gia tư vấn cho rằng để tránh điều này, các hãng xa xỉ nên thể hiện rõ sự có mặt của họ trên thị trường hoặc tìm một người đại diện cho họ để tránh những rủi ro. Việc tìm một người đại diện cũng không hề đơn giản vì giữa công ty chính và công ty đại diện phải tồn tại một sợi dây quan hệ vững chắc. Kinh nghiệm gần đây từ hãng thời trang Coach cho thấy việc không am hiểu thị trường và không sẵn sàng cho các thay đổi cung cầu có thể gây ra hiểu lầm và sự đổ lỗi cho nhau giữa công ty sản xuất và công ty đại diện khi xảy ra sự cố.

Cơ hội vẫn rất rộng lớn và đi cùng đó là những thách thức cũng không hề nhỏ. Nhưng bên lề buổi hội nghị, giới kinh doanh hàng hiệu vẫn đồng tình với nhau rằng mỗi thách thức được giải quyết lại mở ra nhiều cơ hội hơn cho thị trường này.

Hưng Nguyễn