LuxeVN – Khi mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, các thương hiệu xa xỉ không còn lựa chọn nào khác ngoài thay đổi những nguyên tắc tưởng như bất di bất dịch trong marketing hàng hiệu.

Truyền thông xã hội (social media) đã và đang thay đổi hoàn toàn nhiều ngành nghề và ngành xa xỉ cũng không ngoại lệ. Lâu nay, với chiến lược truyền thông riêng biệt, các thương hiệu xa xỉ tự tạo và giữ một khoảng cách nhất định với khách hàng. Họ duy trì sự đặc biệt, khan hiếm và xa cách. Điều đó góp phần khiến túi xách Prada, khăn lụa Hèrmes, giày Jimmy Choo… luôn là ao ước của các cô gái yêu thời trang và mê hàng hiệu.

Cara Delevigne  làm đại sứ thương hiệu cho Burberry

Cara Delevigne làm đại sứ thương hiệu cho Burberry

Theo thống kê của công ty tư vấn Consultant Bain & Co., khoảng 40% các thương hiệu xa xỉ không bán hàng trực tuyến. Điển hình là Chanel. Họ không bán hàng trên internet vì cho rằng khách hàng sẽ không được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc, tư vấn, chỉnh sửa theo ý mình tại cửa hàng. Nhưng sự thật là mọi người thường có thói quen tham khảo trên mạng trước khi rút hầu bao. Đặc biệt, thế hệ millennial (những người trưởng thành trong những năm đầu thế kỉ 21) có xu hướng tin tưởng những đánh giá trên internet hơn nhân viên bán hàng.

6708_Screen_shot_2014-10-22_at_10.03.40_medium

Mulberry trên Twitter

Một thống kê của Sanford C. Bernstein cho biết Trung Quốc đang dẫn đầu trong tiêu dùng xa xỉ phẩm, góp đến 29% doanh thu toàn cầu. Luca Solca, chuyên gia phân tích thị trường hàng hiệu tại Exane BNP Paribas, dự đoán mạng xã hội sẽ là một “Trung Quốc thứ hai” cho ngành công nghiệp này, mang về doanh thu 43 tỉ USD trong năm 2020.

Như vậy, khi mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ thì cũng là lúc các hãng không còn lựa chọn nào khác ngoài thay đổi những nguyên tắc tưởng là bất di bất dịch trong marketing hàng hiệu. Truyền thông xã hội nắm trong tay quyền lực, kết nối con người với con người, con người với thương hiệu. Dù các nhãn hàng cao cấp có muốn cảnh vẻ xa cách nhưng họ không thể thờ ơ trước bộ phận khách hàng tiềm năng trên internet.

Cara Delevigne trên Instagram

Hình ảnh người mẫu Cara Delevigne cùng nước hoa “My Burberry” trên mạng Instagram

Các hãng bắt đầu hợp tác với các chuyên gia truyền thông để lên chiến dịch marketing cụ thể từ hình ảnh, nội dung cho đến đại sứ thương hiệu. Tên tuổi của họ sẽ xuất hiện qua hình ảnh nào? Câu chuyện nào sẽ được kể? Ai sẽ giúp họ chuyển tải tinh thần và giá trị của thương hiệu? Và câu hỏi đau đầu hơn cả là làm thế nào để tiếp cận với khách hàng trực tuyến mà vẫn “xa xỉ”?

Burberry là thương hiệu tiên phong theo hướng đi này. Là nhà mốt đầu tiên cho phép khách hàng đặt hàng trực tiếp và nhận hàng tại cửa hiệu, đầu năm 2010, hãng cung cấp dịch vụ đặt hàng ngay sau khi trình chiếu trực tiếp bộ sưu tập mới trên internet. Chưa hết, người hâm mộ có thể đăng tải hình ảnh họ mặc áo tren-cốt Burberry lên Art of the Trench, diễn đàn trực tuyến của hãng. Vào tháng 11 năm nay, Burberry ra mắt website dành cho di động, tăng lượng mua hàng trực tuyến lên 12%. Một nữ phát ngôn viên của Burberry cho biết: “Thương mại điện tử là một phần đặc biệt quan trọng đối với thương hiệu chúng tôi cả về doanh số lẫn marketing. Nó cho phép chúng tôi gần gũi hơn với khách hàng.”

                                                                                                                                      Đan Thanh