LuxeVN – Từ Đại lộ 5, New York đến Chiếm Sa Chủi, Hồng Kông, những gì giới quan sát chứng kiến trong năm 2014 là tương đối ảm đạm với Prada. Dự kiến chỉ ít ngày nữa, cửa hàng đầu tiên của hãng tại Việt Nam sẽ khai trương…

Năm 2011, trong một lần trả lời phỏng vấn Wall Street Journal, Miuccia Prada nói chẳng sớm thì muộn mọi thương hiệu đều sẽ sản xuất tại Trung Quốc vì trình độ sản xuất rất tốt của đất nước này. Nhiều bình luận cho rằng Miuccia Prada rất giỏi trong việc nhìn ra xu hướng thời trang nhưng xu hướng thị trường lại là một chuyện khác.

Năm 2015, chẳng cần dự triển lãm độc đáo (*) của Doug Fishbone sắp diễn ra tại London, người châu Âu cũng đã quá ám ảnh với cụm từ “Made in China”. Đó cũng chính là nguyên nhân gián tiếp khiến mặt hàng da của Prada, mà tiêu biểu là túi xách, mất đi sức hấp dẫn truyền thống với người tiêu dùng. Báo cáo tài chính năm 2014 của hãng đã nói lên sự hững hờ của người mua: lợi nhuận giảm 27,6% so với năm 2013.

Nhằm tối đa lợi nhuận, không chỉ Prada, nhiều thương hiệu cao cấp từ lâu đã chọn cách sản xuất sản phẩm tại những thị trường lao động giá rẻ rồi đem về chính quốc hoàn thiện. Vấn đề ở chỗ, khi đã trả tiền cho Prada, người ta kỳ vọng trả tiền cho những giá trị “Made in Italy”. Nếu không, họ đã mua Miu Miu – thương hiệu cùng nhà, giá dễ chịu hơn, phần lớn làm tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời trang và ngành hàng hiệu đang chứng kiến những điều kỳ lạ. Khi những cái tên hàng đầu như Prada ca ngợi nền sản xuất Trung Quốc, thì chính các thương hiệu cao cấp Trung Quốc lại tìm cảm hứng và dựa trên chất liệu cũng như tay nghề chế tác châu Âu.

LuxeVN-Prada-Made-In-China-Purseblog

Một chiếc túi dòng cao cấp của Prada được sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Prada Psycho (Purseblog.com)

Louis Vuitton tuyên bố không với “Made in China” để bảo vệ danh tiếng trăm năm. Còn Prada, có lẽ, bài học hàng hiệu cơ bản chưa bao giờ lại thấm thía như vậy.

Tất nhiên, nếu chỉ đổ lỗi cho “Made in China” là cực kỳ thiếu công bằng. Thị phần của dòng sản phẩm “low-end” của Prada ở thị trường Mỹ bị đánh chiếm mạnh mẽ bởi những cái tên năng động, chất lượng và giá thấp hơn như Coach và Michael Kors. Trong khi ở dòng sản phẩm hàng hiệu đỉnh cao, Louis Vuitton lại chiếm ưu thế.

Ở Hồng Kông, không tính đến các diễn biến địa chính trị phức tạp trong năm 2014, việc chào bán cổ phiếu và trở thành công ty đại chúng tại đây từ năm 2011 đã cản trở Prada tiếp cận trực tiếp và sáng suốt vào hoạt động bán lẻ. Kết quả là gì? Prada đa dạng các dòng sản phẩm nhưng lại chẳng có gì mới lạ – yếu tố hàng đầu thu hút khách hàng. Không cần phải là một người đam mê thời trang, bạn cũng có thể nhận ra điều này trên dòng sản phẩm thành công nhất của Prada – những mẫu túi saffiano, vài mùa gần đây.

LuxeVN_Prada_Reports_1st_Half_2014

Báo cáo doanh thu nửa đầu năm 2014 cho thấy ngành hàng đồ da của Prada sụt giảm doanh số rõ rệt so với cùng kỳ năm 2013. Ảnh: Prada

Ông Robin Lewis, giảng viên tại Viện Thời trang Công nghệ, trụ sở tại New York tin rằng Prada đang chịu áp lực rất lớn. 4 năm qua đánh dấu sự mở rộng chưa từng có trong lịch sử thương hiệu với trên 300 cửa hàng được mở mới tại Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi…, và bây giờ là Việt Nam.

Lewis nhận xét: “Có mặt mọi nơi là cái chết của hàng hiệu. Một buổi sáng thức dậy, người hâm mộ Prada nhận ra mọi người xung quanh họ ai cũng dùng đồ Prada. Đó là dấu chấm hết. Prada là công ty đại chúng, không ai phủ nhận họ cần mở rộng phát triển. Nhưng đồng thời điều đó làm hạ giá trị thương hiệu. Họ cần giữ sự hiếm để nuôi dưỡng nhu cầu của khách hàng.”

Việt Nam đang ở giữa giai đoạn 2 (bắt đầu có tiền) và 3 (khoe của) trong 5 giai đoạn tiến hóa hàng hiệu ở các nước châu Á. Thị trường cũng có đủ phân khúc người tiêu dùng hàng hiệu riêng biệt như Nhật Bản hay Trung Quốc: từ những ngôi sao giải trí, quan chức và doanh nhân có địa vị, những bà vợ và những bồ nhí, phụ nữ công sở và giới trẻ sành điệu. Từ chối cung cấp chi tiết số liệu kinh doanh nhưng Louis Vuitton cho biết doanh số và lợi nhuận tại Việt Nam của hãng đang tăng trưởng tốt.

Có mặt ở Hà Nội qua hỗ trợ của công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield, cửa hàng chính thức đầu tiên tại Việt Nam của Prada dự kiến chuẩn bị khai trương tại tòa nhà 63 Lý Thái Tổ. Mặt tiền được đánh giá là cực kỳ đẹp này phản ánh không ít kỳ vọng của Prada cũng như các bên liên quan tại thị trường Việt Nam.

Thực tế, ngày mở cửa đã bị lùi lại so với thông báo ban đầu (quý 4 năm 2014) với lý do để bên cho thuê địa điểm HongKong Land sửa chữa, bố trí lại cho phù hợp theo yêu cầu. Hiện trên một số báo nước ngoài có tin đồn hãng mẹ Prada đang tính toán hoãn, thậm chí hủy khoảng 80 cửa hàng dự định khai trương trong năm 2015. LuxeVN liên hệ và được biết, cửa hàng Prada Hà Nội sẽ lùi ngày khai trang sang tháng 2.2015.

63 Lý Thái Tổ là địa chỉ Gucci (do Milano – Vina trước đây phân phối) từng đặt cửa hàng. Người Việt thường mê tín quan niệm rằng “dớp cũ khó qua” thế nên chắc chắn nhiệm vụ của đội ngũ quản lý vận hành Prada ở Việt Nam là không hề đơn giản…

(*): Triển lãm “Made in China” của nghệ sĩ Mỹ Doug Fishbone, người tham dự triển lãm sẽ nhận diện giữa các bức tranh đâu là tranh thật và đâu là tranh nhái do các xưởng chép tranh Trung Quốc thực hiện. Triển lãm diễn ra từ ngày 10.2 đến 26.4.2015 tại Dulwich Picture Gallery, thành phố London, Anh.

Phương Chi