LuxeVN – Richard Mille nổi tiếng với những đồng hồ sản xuất “in-house” của mình, nhưng ít ai có thể biết rõ những chiếc đồng hồ này được sản xuất như thế nào. Hãy cùng LuxeVN tham quan một vòng toàn bộ những xưởng sản xuất của hãng để tìm hiểu kỹ hơn một chiếc đồng hồ “trong nhà” được sản xuất như thế nào.

Richard-Mille-1

Kể từ khi được thành lập vào năm 2001, và đặc biệt là trong vài năm gần đây, những chiếc đồng hồ Richard Mille luôn là niềm mơ ước của rất nhiều người đam mê đồng hồ. Ngoài việc đi theo lối đi truyền thống, những nguyên tắc cơ bản thì hãng cũng mạnh dạn hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo.

Richard-Mille-2

Richard-Mille-3

Thành công nhờ lối đi này có lẽ phải kể đến dòng đồng hồ thể thao cao cấp Royal Oak của Audemars Piguet. Nhưng những gì mà Richard Mille đã làm được vào những năm 2000 còn hơn thế, hãng đã đưa dòng đồng hồ thể thao cao cấp bước một dài với những mẫu đồng hồ có thiết kế cũng như giá cả “điên rồ”. Chính nước đi táo bạo này đã giúp Richard Mille tăng doanh thu từ 15 đến 20% mỗi năm, đồng thời đạt sản lượng 3.400 đồng hồ/năm. Mẫu đồng hồ “rẻ nhất” trong bộ sưu tập của hãng có giá khởi điểm là 40.000 EUR (khoảng 1,1 tỷ đồng), những con số cho thấy vị thế của Richard Mille trên thị trường.

Richard-Mille-4

Richard-Mille-5

Đằng sau mỗi mẫu đồng hồ thành công, bên cạnh việc quảng bá cũng như tiếp thị sản phẩm tốt, thì chính quá trình chế tác cũng như thiết kế bộ máy hoạt động là tối quan trọng. Trong ngành sản xuất đồng hồ hiện nay, chỉ có một số hãng tự sản xuất tất cả các bộ phận. Một số hãng lại hợp tác với hãng khác sản xuất chung xưởng, Richard Mille thuộc trường hợp đó. Những bộ máy tốt nhất, những bộ vỏ đắt nhất của Richard Mille đều được chế tác từ xưởng lắp ráp ở Les Breuleux, Thụy Sĩ.

Richard-Mille-6

Rất nhiều hãng luôn tìm cách để làm sao mỗi một mẫu đồng hồ mình cho ra mắt đều được gắn mác “in-house”. Những đồng hồ được gắn mác “in-house” thường được quan niệm mặc định là sự độc quyền, là những đồng hồ có chất lượng cao hơn hay đơn giản nó là truyền thống, chính vì vậy mà nó hấp dẫn hơn và tất nhiên giá cũng đắt hơn.

Tại xưởng ở Les Breuleux, Thụy Sĩ, bên cạnh Richard Mille còn có sự góp mặt của “đồng sở hữu”: Horometrie SA, Valgine, Audemars Piguet Renaud et Papi (APR&P), cũng như ProArt và Vaucher Manufacture Fleurier.

Trong đó, Horometrie SA là pháp nhân của Richard Mille và là công ty chịu trách nhiệm các hoạt động của thương hiệu (quản lý những ý tưởng và mẫu concept mà đội ngũ thiết kế và kỹ sư của Richard Mille đưa ra). Bên cạnh đó, công ty Valgine SA, nhà cung cấp bên thứ 3 và là công ty hợp tác với nhiều thương hiệu khác nhau, cũng là một nhân tố cực kỳ quan trọng, khi cung cấp những bộ phận hoặc thậm chí là một sản phẩm đồng hồ hoàn chỉnh, sau đó được dán nhãn tên thương hiệu Richard Mille.

Richard-Mille-18

Audemars Piguet Renaud et Papi (APR&P) ngoài việc là một cổ đông của hãng thì họ là công ty chịu trách nhiệm chế tác một số bộ máy hoạt động phức tạp nhất của Richard Mille. Mặt khác, Vaucher Manufacture Fleurier lại là công ty chuyên chế tác những bộ máy đơn giản hơn như chronograph tự động. Trong khi ProArt (thuộc Richard Mille Group) chịu trách nhiệm chế tác toàn bộ vỏ đồng hồ, tấm lót bộ máy hoạt động, cầu nối (bridge) và một số bộ phận khác của đồng hồ.

Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu xưởng sản xuất ProArt, nơi chịu trách nhiệm chính là chế tác toàn bộ vỏ đồng hồ cùng một số bộ phận nhỏ khác của đồng hồ. Được chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4.2013, xưởng được Richard Mille thành lập do hãng vừa mất đi đối tác cung cấp vỏ đồng hồ Donzé Baume (tập đoàn Richemont mua lại).

Richard-Mille-7

Xây dựng một xưởng sản xuất như ProArt sẽ giúp Richard Mille duy trì tính “in-house”. Đồng thời, còn giúp hãng chủ động sản xuất khi nhu cầu đồng hồ sang trọng bùng nổ trở lại trong hai thập kỷ qua, gần như toàn bộ các nhà cung cấp đang bị quá tải và gặp khó khăn với việc cung cấp số lượng lớn đúng thời gian.

Hơn nữa, với một thương hiệu đồng hồ luôn cho ra mắt nhiều mẫu thiết kế mới như Richard Mille thì việc tìm kiếm một nhà cung cấp có khả năng nhanh chóng thích nghi với các yêu cầu là vô cùng khó, vì vậy mà ProArt ra đời là hoàn toàn hợp lý.

Richard-Mille-8

Nằm trên khu đất rộng 3.000m², ProArt được trang bị đầy đủ những bộ máy tiên tiến nhất. Đây cũng là nơi chế tác nên thân vỏ sử dụng những vật liệu mới ví dụ như carbon NTPT (North Thin Ply Technology), loại vật liệu cực kỳ khó chế tác đối với mọi hãng sản xuất. Chính vì thế mà để tạo hình bộ vỏ Richard Mille đã trang bị cho mỗi nhân viên một chiếc máy cắt CNC cực kỳ hiện đại.

NTPT là một loại vật liệu rất cứng, thực tế được sử dụng làm cột buồm cho chiếc thuyền đã giành giải nhất cuộc thi America’s Cup. Đặc biệt, đây cũng là loại vật liệu hầu như không thể đập vỡ hay xước, chính vì vậy việc chế tác nó cũng rất khó khăn. Carbon NTPT dày 30 micron, được tạo từ nhiều lớp xếp chồng lên nhau.

Richard-Mille-9

Chiếc vỏ đồng hồ hình tonneau, được tạo từ 800 lớp carbon NTPT và được xếp chống lên nhau.

Richard-Mille-10

Richard-Mille-11

Tóm lại, Richard Mille có mọi lý do để tự hào về ProArt. Sự đầu tư này giúp hãng tự mình đi trên con đường riêng, đưa ra những ý tưởng táo bạo hay thậm chí là những đột phá về công nghệ mà không gặp phải bất cứ một trở ngại nào. Một minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của xưởng là  mẫu đồng hồ RM27-01 Rafael Nadal, một trong những đồng hồ nhẹ nhất thế giới và là sự kết hợp giữa bộ máy độc quyền, thân vỏ siêu nhẹ, siêu bền.

Richard-Mille-12

Richard-Mille-13

RM27-01 Rafael Nadal

Cũng làm việc bên trong xưởng ProArt là APR&P, bộ phận chịu trách nhiệm thiết kế máy hoạt động. Những máy đồng hồ nặng 3,5g và “lơ lửng” bên trong vỏ đồng hồ, được giữ bởi những sợi cáp kim loại trong suốt, đều do APR&P chế tác.

Richard-Mille-14

Cách đó không xa, chỉ mất vài phút đi bộ là văn phòng của Richard Mille, nơi toàn bộ những bộ phận đồng hồ như vỏ đồng hồ từ ProArt, bộ máy hoạt động từ APR&P hay Vaucher, được đưa đến để lắp ráp. Thực tế, toàn bộ các mẫu đồng hồ của hãng đều được đưa đến đây, từ công đoạn lắp thân vỏ vào máy hoạt động, cho đến thử nghiệm, lắp hoàn chỉnh và sửa chữa.

Richard-Mille-15

Richard-Mille-16

Ngay tại tầng trệt của tòa nhà, ta có thể dễ dàng nhìn thấy khu vực làm việc của các nghệ nhân đồng hồ. Trên vài mặt bàn, ta có thể dễ dàng bắt gặp máy hoạt động được chuyển đến từ Vaucher vẫn đang nằm chờ đợi trong hộp nhựa.

Richard-Mille-17

Như một phần thưởng cho khoản đầu tư đúng đắn, Richard Mille luôn tự do trong việc định giá bán sản phẩm cũng như hình thức cung cấp. Trong hơn một thập kỷ hoạt động, Richard Mille đã cực kỳ thành công khi đã tự thiết lập cho mình một lối đi riêng với những mẫu đồng hồ mang tính đột phá, đôi khi có đôi chút kỳ lạ. Câu hỏi đặt ra bây giờ là hãng sẽ làm thế nào để duy trì và tiếp tục phát triển trên nền những thành công hiện tại. Điều này có lẽ chỉ thời gian mới có thể trả lời được.

Minh Toàn