LuxeVN – Các hãng đồng hồ cao cấp luôn khuyến cáo khách hàng chỉ mua sản phẩm tại cửa hàng chính hãng nhưng thực tế vẫn có một bộ phận không nhỏ người dùng có tâm lý thích mua đồng hồ qua đường xách tay, hoặc qua các “cửa hàng” trên mạng. Những kênh mua bán này được gọi với cái tên “grey market” – chợ xám.

Vậy “grey market” có gì hấp dẫn người tiêu dùng? Đồng hồ được bán trên thị trường “grey market” khác gì đồng hồ bán tại cửa hàng chính hãng? Chúng ta cùng đi tìm lời giải cho những câu hỏi này qua các bài viết dưới đây.

“Grey market” là gì và tại sao các hãng sản xuất chống lại nó?

Nếu bạn quen dùng đồ hiệu, hàng cao cấp thì sẽ chẳng mấy xa lạ với những cảnh báo của thương hiệu kiểu như “Không mua online” hay “Sản phẩm chỉ được bán tại…”. Nhưng ngoài thị trường vẫn tồn tại các cửa hàng không chính thức và shop kinh doanh trực tuyến trưng biển bán “hàng xách tay”. Thuật ngữ kinh tế gọi hàng hóa giao dịch dạng này là hàng “grey market“.

grey_market_1

Một website giao dịch có “số má” trong thị trường đồng hồ grey market

“Grey maket” chỉ hoạt động trao đổi hàng hóa không chính thức, không được ủy quyền và ngoài mong muốn của nhà sản xuất. Vậy các sản phẩm đồng hồ cao cấp được rao bán trên thị trường này xuất xứ như thế nào? Tất nhiên, các sản phẩm này đều được mua lại từ các cửa hàng đại lý chính hãng (flagship, hệ thống boutique) nhưng đường đi của chúng tương đối “ngoằn ngoèo”:

– Đồng hồ được mua theo giá bán lẻ từ nước có giá rẻ hơn. Thuế đồng hồ ở Việt Nam là 26,5% (thuế nhập khẩu và VAT). Thông thường, các hãng ở Viêt Nam chỉ điều chỉnh mức giá bán lẻ cao hơn khoảng 5-20% so với thị trường miễn thuế như Hong Kong.

– Đồng hồ mua từ đại lý nước ngoài với chiết khấu cao hơn do mua số lượng nhiều hoặc mua hàng tồn kho, lỗi mốt, hàng trưng bày. Đó là lí do mà các dòng đồng hồ bán chạy thì hầu như không có hàng grey market. Một nguyên nhân khác là các hãng danh tiếng luôn kiểm soát chặt chẽ thị phần này. Bạn sẽ ít thấy một chiếc Patek Phillippe hay Breguet bán ra với chiết khấu cao. Bạn cũng hầu như không thấy xuất hiện hàng grey market của các hãng đồng hồ độc lập (vốn chỉ chế tác với số lượng rất hạn chế).

grey_market_2

Hình ảnh đồng hồ Rolex được bày bán tại grey market ở Hồng Kông

Theo quy luật cung cầu, grey market vẫn có đất sống nhưng rủi ro từ một thị trường không được kiểm soát mang lại cho khách hàng là không nhỏ. Nguy cơ đó có thể là:

– Đồng hồ “trôi” bảo hành. Nguyên là các sản phẩm đã bán ra sau đó được nhập lại sửa chữa, rút ngắn thời gian trên phiếu bảo hành. Khi hỏng hóc xảy ra nằm ngoài thời gian bảo hành, chi phí sửa chữa sẽ rất tốn kém.

– Đồng hồ “độ”: là những sản phẩm được thay thế hoặc gắn thêm những chi tiết không chính hãng như vành vàng, kim cương. Ta hay gặp trường hợp này ở đồng hồ của Rolex, Piaget hay Franck Muller. Châu Á có những trung tâm độ đồng hồ lớn ở Hồng Kông, Đài Loan, với những sản phẩm chỉ có chuyên gia chính hãng mới phân biệt được.

grey_market_3

Liệu bạn có phát hiện được đây là đồng hồ “độ”?

grey_market_4

– Đồng hồ cũ tút lại và được đóng mác mới. Loại này khá phổ biến trên thị trường grey market. Khách hàng khó có thể phân biệt khi không đủ kinh nghiệm, trình độ và máy móc kiểm tra.

– Người bán đồng hồ “xách tay” mà bạn tin tưởng có thể không đủ kiến thức và máy móc để kiểm tra chất lượng nguồn hàng của mình.

Nếu khách hàng gặp phải những điều không may mắn trên, họ sẽ đánh giá không chính xác về chất lượng, danh tiếng của hãng đồng hồ. Đó chính là lý do các hãng luôn có chính sách chống lại grey market. Có một số hãng thực hiện chính sách chỉ bán hàng tại cửa hàng do hãng trực tiếp quản lý.

Quang Việt

Đọc tiếp: Phần 2 – Thế nào là một cửa hàng đồng hồ cao cấp chính hãng?

1 2 3
No more articles