LuxeVN – Cuộc cạnh tranh giữa các ứng dụng đặt chỗ taxi trên nền tảng di động đang vào hồi quyết liệt. Mới đây tại Trung Quốc, Liễu Khánh – con gái của người sáng lập hãng Lenovo Liễu Truyền Chí, đã về đầu quân cho ứng dụng “Didi Dache”. 

Didi Dache (tiếng Hoa: “嘀嘀打车”, có nghĩa là “Bíp bíp, taxi”) do gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, Tencent Holdings Limited, phát triển. Đây là một trong hai ứng dụng di động đặt chỗ taxi phổ biến nhất tại quốc gia này, bên cạnh Kuaidi Dache (tiếng Hoa: “快的打车”, có nghĩa là “Gọi taxi nhanh”) – ứng dụng do tập đoàn Alibaba của Jack Ma xây dựng. Trước khi tham gia “đại chiến taxi”, Liễu Khánh đã có 12 năm làm việc tại ngân hàng đầu tư của Mỹ, Goldman Sachs. Được biết, cô đã nhậm chức Giám đốc Tác nghiệp (COO) tại Didi Dache.

LuxeVN-Didi-Dache-1

Ứng dụng đặt chỗ taxi Didi Dache. Ảnh: Tencent

Trung Quốc đang có khoảng 154 triệu người dùng ứng dụng đặt xe taxi, con số này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng nhanh. Tính từ đầu năm, cả Tencent và Alibaba đã đổ hàng tỉ nhân dân tệ để phát triển mảng dịch vụ này. Đây được xem là phương thức hiệu quả để hai gã khổng lồ lôi kéo khách hàng sử dụng các dịch vụ khác của mình như ‘chat’ và thanh toán di động.

Theo thống kê của công ty tư vấn trụ sở tại Bắc Kinh Enfodesk, Kuaidi Dache đang dẫn đầu cuộc đua với 54,4% thị phần người dùng và có mạng lưới hoạt động ở 261 tỉnh, thành. Với 100 triệu USD Tencent rót vào hồi tháng 1, Didi Dache đã nâng mật độ phủ sóng lên 178 tỉnh, thành. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 5 triệu người dùng ứng dụng để đặt taxi. Con số này của Kuai Dache là 6 triệu.

LuxeVN-liuqing

Liễu Khánh (trái) và cha Liễu Truyền Chí – người sáng lập và gây dựng đế chế Lenovo từ 24.000 USD tiền vốn vay chính phủ Trung Quốc năm 1984

Trả lời đài CCTV, Liễu Khánh cho biết Didi Dache đang đầu tư mạnh vào đối tượng khách hàng là nữ giới. Nhận thấy nhu cầu đi lại bằng những chiếc xe taxi sang trọng như Audi hay BMW của phụ nữ, tháng trước, ứng dụng này đã chi 1 triệu nhân dân tệ vào quỹ từ thiện của Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc nhằm quảng bá dịch vụ. Tuy nhiên, Kuaidi Dache đã đi trước một bước khi cho phép người dùng đặt taxi hạng sang thông qua dịch vụ “Kuaidi One”. Dịch vụ này mang lại cho Alibaba doanh thu 50 triệu nhân dân tệ trong tháng 6. Do đó, dẫu có ứng dụng nhắn tin “gà nhà” WeChat tiếp sức, nhiệm vụ vượt lên dẫn bàn của Liễu Khánh và đồng sự là không hề đơn giản.

Ở một diễn biến khác, ứng dụng đặt taxi vừa mới ra mắt ở thị trường Việt Nam là Uber đang tích cực chuẩn bị kế hoạch nhằm chia sẻ chiếc bánh với Kuaidi Dache và Didi Dache. Uber – công ty tư nhân thành lập năm 2009 tại San Francisco, Mỹ, hi vọng cạnh tranh với hai đối thủ địa phương bằng thế mạnh riêng là mạng lưới xe sang cá nhân, cùng các tiện ích như báo mới và truy cập Wifi miễn phí cho khách hàng khi ngồi trên xe.

Tại Việt Nam, GrabTaxi và EasyTaxi là hai ứng dụng có mặt sớm nhất trên thị trường, từ tháng 2.2014. Hiện có khoảng 20.000 tài xế taxi tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đăng ký tham gia GrabTaxi, theo số liệu công ty công bố. Dù danh tiếng nhất trong thế chân vạc nhưng Uber sẽ gặp không ít khó khăn bởi đối tượng tham gia mạng lưới ứng dụng này là xe ô tô cá nhân hạng sang – có số lượng ít hơn nhiều so với các hãng taxi phổ thông ở nước ta, đối tượng khai thác của hai đối thủ còn lại.

LuxeVN-Grabtaxi

Giao diện của ứng dụng GrabTaxi. Ảnh: GrabTaxi

GrabTaxi hiện đang chiếm ưu thế nhờ các chiến dịch truyền thông hiệu quả, tận dụng tốt khả năng ‘viral’ và tương tác của Facebook, cũng như sức ảnh hưởng của các Facebooker nổi tiếng. Ứng dụng này cũng vừa mới huy động được thêm 15 triệu USD từ GGV Capital (Mỹ) và Vertex Venture Holdings (Singapore) hồi tháng 6. Không chịu kém cạnh, tính ra EasyTaxi đã chi hơn 1 triệu USD khuyến mãi cho người dùng Việt Nam. Các công ty đầu tư mạo hiểm Phenomen Ventures (Nga) và Tengelmann Ventures (Đức) cũng vừa rót 40 triệu USD vào EasyTaxi.

Trong khi đó, LuxeVN nhận được thông tin phản ánh từ cánh tài xế rằng một số hãng taxi truyền thống hiện không cho phép tài xế tham gia mạng lưới của các ứng dụng đặt chỗ, khiến cho cuộc cạnh tranh càng thêm gay cấn. Và chừng nào các cơ chế của cuộc chơi còn công bằng, người hưởng lợi, đương nhiên, là khách hàng.

Liệu chiếc bánh sẽ được chia như thế nào, hồi sau sẽ rõ.

Phương Chi