Prove your humanity


LuxeVN – Theo trang CPP-Luxury, doanh thu của thị trường hàng hiệu second-hand toàn cầu đã vượt quá 3 tỉ Euro. Con số này phản ánh sự bùng nổ các trang web bán hàng hiệu ‘lướt’ trên khắp thế giới.

Nguy cơ của người này đôi khi lại là cơ hội của người kia. Sự bùng nổ của thị trường hàng hiệu second-hand là một minh chứng cho điều đó. Đa số các trang web kinh doanh loại hình này ra đời vào khoảng năm 2009, thời điểm mà khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn đang nặng nề. “Công thức để họ thành công là Internet và nhu cầu bán đồ hiệu của rất nhiều người đang trong nguy cơ thất nghiệp hoặc thậm chí phá sản”, cây viết Alan Worfson của tờ The National bình luận.

Mô hình các cửa hàng kỳ gửi ra đời trước khi có các trang web bán hàng hiệu second-hand

Mô hình các cửa hàng kỳ gửi ra đời trước khi có các trang web bán hàng hiệu second-hand

Reema Al Khomeiri mở cửa hàng ký gửi hàng hiệu Toujours Chic đầu tiên tại Dubai năm 2009. Chỉ chưa đầy 3 năm sau cô đã có một danh sách hàng nghìn khách hàng trung thành thường xuyên tìm đến cửa hàng này để ký gửi và mua những chiếc túi sách của Louis Vuitton hay Chanel, Hermès… Đánh giá được hiệu quả của Internet, ngay lập tức Reema phát triển kênh bán hàng qua mạng song song với cửa hàng thực tế.

“Không ai mua một chiếc túi Gucci chỉ vì họ cần một chiếc túi xách. Vì nếu vậy họ chỉ cần chọn một thương hiệu bình dân như Nine West là xong. Nhưng hàng hiệu tất nhiên phải đắt tiền. Câu hỏi đặt ra là làm sao bạn vẫn có thể sở hữu một món hàng hiệu trong thời khó mà không phải chi quá nhiều tiền?” Reema Al Khomeiri lý giải. Đánh đúng tâm lý này của khách hàng, kinh doanh hàng hiệu second-hand bùng nổ.

Khủng hoảng kinh tế góp phần khiến hàng hiệu second-hand trở thành một thị trường béo bở

Khủng hoảng kinh tế góp phần khiến hàng hiệu second-hand trở thành một thị trường béo bở

Theo một khảo sát gần đây về thị trường hàng hiệu second-hand, giá của những mặt hàng được bán ở các trang web thường chỉ bằng 1/3 giá niêm yết. Và sức hút của loại hình thương mại này đối với số đông khách hàng vẫn rất mạnh. Thống kê cho thấy mỗi khách hàng khi quay lại mua hàng hiệu second-hand thường sẽ chi ra trung bình 750 Euro.

Một trong những trang web được coi là thành công và nổi tiếng nhất hiện nay trong kinh doanh hàng hiệu đã qua sử dụng là InstantLuxe. Trang web này cũng được ra đời năm 2009 bởi 2 doanh nhân trẻ người Pháp. Hiện nay, InstantLuxe đang có khoảng 500 nghìn khách hàng thường xuyên và năm ngoái họ nhận được khoản đầu tư 2 triệu Euro từ quỹ Iris Capital.

Ngoài trang web chính, InstantLuxe có ứng dụng riêng trên các thiết bị di động và máy tính bảng. Người ta có thể bán và mua các món hàng xa xỉ đã qua sử dụng hoặc đã được mua  thông qua trang web này với danh mục hàng hoá rất đa dạng từ quần áo, túi xách cho tới đồ trang sức, đồng hồ…

InstantLuxe là trang web mua bán hàng hiệu second-hand uy tín nhất thế giới hiện nay

InstantLuxe là trang web mua bán hàng hiệu second-hand uy tín nhất thế giới hiện nay

Bí quyết khiến InstantLuxe thành công chính là uy tín. Ngay từ  khi mới ra đời, công ty này đã xây dựng một đội ngũ chuyên gia giám định độc lập để đảm bảo mọi món hàng được giao dịch trên trang web đều là hàng thật. Cho tới nay, InstantLuxe chưa hể để xảy ra bất cứ phàn nàn hay kiện tụng nào về vấn đề chất lượng sản phẩm.

Ông Yann Le Floc’h, CEO của InstantLuxe trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho biết thị trường châu Á đang là mục tiêu chiến lược mà doanh nghiệp của ông đang hướng tới. Năm ngoái, cơ quan Fortune Character Institute thực hiện cuộc khảo sát với thị trường hàng second-hand cao cấp tại Trung Quốc. Theo đó với hơn 200 cửa hàng đồ hiệu second-hand tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, doanh thu trong nửa đầu năm 2013 của thị trường này là xấp xỉ 490 triệu USD. 

Hàng trăm trang web và doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu second-hand đang buôn bán nhộn nhịp khắp thế giới. Và thậm chí giờ đây, các thương hiệu bắt đầu chủ động đưa ra những chính sách hợp tác với thị trường này để đưa những sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng theo cách “nhẹ nhàng” và hiệu quả hơn.

Ở Mĩ, để tránh cảm giác là người ‘đến sau’, người ta dùng từ “pre-owned” thay cho “second-hand” với ý nghĩa tương đồng. “Pre-owned” còn có nghĩa là các thiết bị điện tử – như điện thoại thông minh chẳng hạn – đã được bẻ khóa, mở mạng…

luxevn-secondhand-luxury

Một cửa hàng nhận ký gửi hàng hiệu nằm trong phố cổ Hà Nội / Ảnh: Thanh Ngọc.

Tại Việt Nam, thị trường hàng hiệu ‘lướt’ online hoạt động tương đối sôi nổi nhưng nhìn chung là nằm rải rác, cùng “mâm” với hàng hóa phổ thông trên các diễn đàn. Hình thức ký gửi – hay “cầm đồ” – vốn không phải xa lạ ở những thị trường hàng hiệu đã phát triển thì ở ta, đối tượng cung cấp và tham gia dịch vụ này vẫn còn bó hẹp.

LuxeVN sẽ quay trở lại phân tích sâu hơn về thị trường hấp dẫn này trong các bài viết tới.

Hiếu Vân

No more articles